thế nầy: tôi đứng trên hào thành mà biết được".
(Thu- Thủy)
***
Về sau, Huệ- tử mất. Một khi Trang tử đi qua mộ ông, tỏ ý thương tiếc:" Từ
khi phu- tử mất, tôi còn cùng ai chất vấn, bàn bạc được nữa!"
Gia- đình ông như thế nào, sử không thấy nói. Chỉ biết ông có vợ, và vợ
ông chết.
" Vợ Trang tử chết, Huệ- tử đến điếu. Thấy Trang tử ngồi, duỗi xoác hai
chân, vừa vỗ bồn, vừa ca.
Huệ- tử nói: Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không
khóc, cũng đã là quá rồi, còn vỗ bồn ca, không phải thái quá sao?
Trang tử nói: Không. Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng. Nhưng
nghĩ lại hồi trước, đó vốn là không sinh. Chẳng những là không sinh, mà đó
vốn là không hình, mà đó vốn là không khí. Đó chẳng qua là tạp- chất ở
trong hư không mà biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra
mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử. Sinh, hình, khí, tử có khác nào
xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa hành- vận. Vả lại, người ta nay đã yên nghỉ
nơi Nhà- Lớn mà tôi cứ than khóc chẳng là tự nói không thông Mạng ư?
Nên tôi không khóc."
(Chí- Lạc)
***
Trang tử mất vào năm nào, thì không thấy có sách nào ghi chép. Chỉ biết
rằng lúc" Trang tử gần chết, các đệ tử muốn hậu táng, nhưng Trang tử
không cho. Trang tử nói:" Ta có trời đất làm quan quách, nhật nguyệt làm
ngọc bích, tinh- tú làm ngọc châu, vạn- vật làm lễ tống. Đám táng của ta
như vậy, không đủ sao? Mà còn thêm chi cho lắm việc!"
Đệ tử thưa:" Chúng con sợ diều quạ ăn xác Thầy!"
Trang tử nói:" Trên thì diều quạ ăn, dưới thì giòi kiến ăn. Cướp đây mà cho
riêng đó, sao lại có thiên lệch thế!"
(Liệt- Ngự- Khẩu)