Trang Tử
NAM HOA KINH
Dịch và bình chú : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
NỘI THIÊN 2
II. UYÊN- NGUYÊN CỦA HỌC- THUYẾT TRANG TỬ:
Cái học của Trang tử, tuy do Lão tử mà ra, nhưng biệt lập ra một phái
riêng: phái Trang học.
Sử- Ký cho rằng" cái học của ông không đâu là bàn không đến, nhưng gốc
ở lời dạy của Lão tử…" (1)
Phê- bình học- thuyết Trang tử, thiên Thiên- Hạ trong sách Trang tử có
nói:" Đạo vẫn thâm mật, vô hình mà biến hóa vô thường. Chết, Sống cùng
Trời Đất ngang nhau, cùng thần minh qua lại và lui tới mà thấy không thiết-
thực. Vạn- vật bao la mà lúc trở về, không thêm cho Đạo. Đó là chỗ nghiên
cứu của người xưa. Chỗ đó Trang Châu nghe qua, đẹp ý. Muốn truyền- bá
nó ra, Trang Châu mượn câu chuyện mậu- ngộ, tiếng nói hoang- đường, lời
văn không bền, thường phóng- túng mung- lung mà không cao dị… Trang
Châu thấy đời chìm đắm trong ô- trọc, không hiểu được lời mình nên dùng"
chi ngôn" mà gieo khắp, dùng" trùng ngôn" làm thực sự, dùng" ngu ngôn"
cho rộng hiểu. Rồi riêng một mình lại qua cùng trời đất tinh- thần mà
không ngạo- nghễ vạn- vật không hỏi tội thị phi, lại sống chung cùng thế-
tục. Sách của Trang Châu thì khôi- vĩ mà dịu dàng, không hại. Lời tuy sâm-
si, mà thầy đặng ý răn lòng khi trá. Chỗ sung- thực của đó không dừng
đặng. Trên thì dạo cùng tạo vật, dưới bạn cùng" ngoại tử sanh, vô chung-
thủy". Bản nguyên của đó thì hoằng- đại mà sáng sủa, sâu rộng và phóng
túng. Tông chỉ của đó có thể thích- hợp với bậc thượng- trí. Tuy nhiên,
tông- chỉ và bản- căn đó đều ứng theo tạo hóa mà đạt đến vạn- vật. Lý của
đó thì không cùng."
(Thiên- hạ)
***
Như vậy, ta thấy rằng học thuật của Lão và Trang, có chỗ không đồng nhau.
Lão tử cho rằng" cứng rắn thì dễ bị bể nát, nhọn bén thì dễ bị mòn lụt"; và"