Học trò hỏi: không phải bạn của thầy sao?
Phải.
Vậy thì, điếu như vậy coi được không?
Được chứ! Trước kia, đó là bạn ta thật; nay thì không phải vậy nữa. Lúc
nãy ta vào điếu, thấy có người già khóc như khóc con, có người trẻ khóc
như khóc mẹ. Cái chỗ hợp lại đó (cái xác của ông ta), có cầu ai nói đến mà
nói, có cầu ai khóc nó mà khóc. Thế là đã trốn trời, thêm tình, quên chỗ
mình thọ lãnh. Người xưa gọi đó là hình phạt của sự trốn trời. Vui mà đến,
là phu tử an thời; vui mà đi, là phu tử xử thuận. An thời xử thuận, thì buồn
vui không sao xâm nhập cõi lòng. Người xưa cho rằng đó là tháo mở cái
sợi dây mà Tạo Hóa đã cột ta vào cõi sống. Thì cũng như việc lửa vào củi,
lửa truyền mãi không biết đến đâu là cùng.
***
TỔNG BÌNH
ở thiên Tề- Vật, Trang tử cho rằng "sinh tử" là một. Vậy sao còn quý cái
sống mà dưỡng nó?
Hỏi thế là hỏi sai. Không ham sống, không sợ chết, xem tử như sinh, sinh
như tử, và sinh tử là một, đó là cái Đạo của Tề Vật. Nhưng ở cảnh nào phải
biết vui với cảnh ấy[xvii]. Đang sống mà không lo dưỡng nó, để phải tật
bệnh đau khổ, không biết thuận theo tự nhiên của nó mà dưỡng nó, thì còn
đâu gọi là vui với đó! Không dưỡng nó để cho nó đau khổ, như vậy là cầu
cái chết hay sao? Có biết bao kẻ quá đau khổ, đi cầu cái chết để thoát khổ
của cảnh sống đầy tật bệnh, đó chẳng phải là coi cái chết là quý sao? Như
vậy đâu còn phải là cái Đạo của Tề- Vật nữa!
***
A. Những nguyên nhân làm cho ta thương sinh rất nhiều, nhưng không có
chi nguy hiểm bằng "tham vọng". Sự đèo bòng tham muốn chạy theo ngoại
vật, cũng như chạy theo cái hiểu biết của cái học trục vật, đeo đuổi theo
những vật bất thường và mộng ảo, là nỗi ưu tư không bờ bến làm mòn mỏi
sinh lực con người không sao cứu được.
Bởi vậy, ở đầu thiên Dưỡng Sinh, Trang tử nói: "Sinh lực của ta thì có hạn,
mà sự muốn biết của ta thì không bờ bến. đem cái có hạn (như sinh lực của