Trang Tử
NAM HOA KINH
Dịch và bình chú : Thu Giang Nguyễn Duy Cần
HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ
IV. HỌC THUYẾT CỦA TRANG TỬ:
A. Đạo và Đức:
Triết học của Trang tử cùng với Lão tử có nhiều điểm không đồng, nhưng
rất đồng về quan niệm Đạo và Đức.
Bàn về Đạo, sách Trang tử ở thiên Trí- Bắc- Du có giải rất rõ ràng:
" Đông- Quách- Tử hỏi Trang tử:
Cái gọi là Đạo ở đâu?
Không có chỗ nào là không có Nó.
Xin chỉ ra mới được!
Trong con kiến.
Thấp hơn nữa!
Trong cọng cỏ.
Thấp hơn nữa!
Trong miếng sành vỡ.
Thấp hơn nữa!
Trong cục phân.
Đông- Quách- Tử không hỏi nữa.
Trang tử nói:" Lời hỏi của ông, không đi đến đâu cả. Nó giống cách người
giám thị dùng để trị dùng để trị giá heo: mỗi lần đạp trên lưng heo là mỗi
lần ấn mạnh cẳng xuống thêm. Ông đừng có chỉ hẳn vào một vật nào có
Nó, vì không có vật nào là không có Nó. Đạo là thế, mà lời nói cao cả cũng
thế. Như ba tiếng nầy:" đều", " cùng", " cả thảy" tuy danh từ gọi có khác,
mà tựu trung đều hàm cùng một ý."
***
Đạo là Nguyên- Lý tuyệt đối sinh ra Trời Đất Vạn- vật. Cho nên hễ có Vật,
tức là có Đạo, nghĩa là" không có chỗ nào là không có Đạo".
***