không?
Tử- Kỳ nói:" Yển, câu hỏi của ngươi đâu phải là không đúng! Ta nay đã
mất bản ngã rồi, ngươi có biết không?..."
Đây cũng là phép" tọa vong" để mà thực hiện sự huyền đồng với bản thể
của Đạo và đó cũng là cứu cánh của Trang học: hễ" đồng" với cái Sống
chung của Vũ Trụ vạn vật thì sẽ không còn thương ghét riêng tư, sẽ không
còn tham muốn đèo bòng những Tánh Phận ngoài mình nữa. Cho nên mới
nói rằng" đồng tắc vô hiếu dã" (10)
Đạo học, theo Trang tử, không phải chỉ là một lối triết lý suông của lý trí,
mà là một cuộc thực hiện hay thực nghiệm bản thân về Chân- Lý. Lời nói
của Nhan- Hồi trong câu chuyện" tọa vong" trên đây có nghĩa là Hồi đã
được cái Đạo bên trong bằng phép" truất- phế thông minh" và" bỏ lý trí".
Nên để ý phân biệt điều này: bỏ sự hiểu biết không phải là khuyên ta đừng
hiểu biết. Có hai trình độ hiểu biết: biết cái biết thông thường, cái biết của
giới nhị nguyên, cái biết trong vòng tương đối của thị phi, thiện ác và biết
về cái lẽ" bất khả tri", biết về bản thể, tức là cái biết về Tuyệt đối. Cái biết
thông thường của lý trí, của giới nhị nguyên về thị phi, thiện ác đâu phải là
không cần, trong khi ta vẫn còn hoạt động trong vòng" sắc tướng", nhưng,
khi muốn nắm được Đạo, ta cần phải vượt lên khỏi nó. Trang tử gọi cái
phép" vượt lên" ấy bằng một chữ" Vong", nghĩa là " Quên". ông nói:" Trí
vong thị phi, tâm chi thích dã". Người được Đạo, không phải là người
không biết thị phi, mà là người đã vượt lên trên cả thị phi. Không biết thị
phi, với vượt lên thị phi là hai điều khác nhau xa. Cái" không biết" (bất tri)
của đứa hài nhi, với cái" không biết" của bậc đạt Đạo cũng khác nhau rất xa
vậy. Cái" không biết" ấy, mà Lão tử gọi là" Xích tử chi tâm" đừng có hiểu
lầm đó là tâm trạng hỗn độn của đứa trẻ sơ sinh. Cho nên không nên hiểu
cho đó là cái học" ngu dân".
Bởi không nhận thấy rõ ràng sự phân biệt đó mà phần đông học giả chuyên
về Trang học mới đề xướng thuyết" phục cổ" như ở Thiên Đạo Chích trong
sách Trang tử (Xem Trang tử tinh- hoa) .
Cái tri thức thông thường về sắc giới không làm sao hiểu được chân lý
tuyệt đối, vì vậy Trang tử đề xướng sự" khử- tri" và" phế bỏ thông minh".