Kỳ ngộ nơi thảo am
Con người là giống tàn nhẫn, đáng khinh nhất trong vạn vật. Nếu ta nhìn
lại chính mình, ta sẽ thấy mọi người – cả ta và kẻ khác – luôn luôn đòi
quyên sinh khi một điều đại bất hạnh xảy ra, chẳng hạn như khi chồng ta
chết yểu giữa tuổi thanh xuân, hoặc khi người vợ mà ta thề cùng đầu bạc
răng long bỗng bất ngờ khuất núi khi đang độ trăng tròn. Thế nhưng, dưới
những dòng lệ thảm, những dục vọng ngấm ngầm vẫn ở trong ta. Con tim ta
vẫn ngóc đầu lên tìm kiếm một thứ bảo vật trên đời hoặc nó nhượng bộ
trước những cám dỗ bất ngờ.
Đó là trường hợp của người đàn bà mà chồng vừa thều thào thở hơi cuối
cùng xong đã nghĩ đến một ông chồng khác – chưa lấy được thì cũng ngắm
nghía, lắng nghe, dự trù – nàng ta có thể tái giá với người em chồng, nàng ta
cũng có thể tìm kiếm một kẻ xứng đôi trong đám quyến thuộc mà quên lãng
hoàn toàn kẻ mà bao năm nàng đầu ấp tay gối. Tất nhiên, nàng ta cũng phải
đọc kinh, đọc kệ, phải cắm hương hoa trên bàn thờ chồng, để cho mọi người
thấy mình là một tiết phụ chính chuyên.
Người ta sẽ khó mà nhận thấy nàng kín đáo thoa lớp phấn hồng trên mặt,
bồn chồn chờ lúc cởi bỏ bộ tang phục phải mang trên người. Nàng lén chải
lại tóc, xức dầu thơm. Và bên trong bộ áo tang khắc khổ, xấu xí thoáng hiện
lên bộ đồ thêu viền nhiều màu, trông hết sức khêu gợi.
Cũng có người đàn bà, cảm thấy cuộc sống chán chường vô vị nên cắt tóc
đi tu. Nơi chốn thiền môn, nàng ta chỉ còn những giọt sương sớm để dâng
cúng người chồng đang ngủ giấc ngàn thu dưới mộ. Một trong những thứ
mà nàng ta phải bỏ lại khi xuất gia là chiếc áo choàng thêu hoa sặc sỡ. Nàng
sẽ bảo là mình không bao giờ cần đến những chiếc áo ấy nữa, rằng sẽ cắt
chúng làm vải trải bàn thờ… nhưng trong thâm tâm thì luyến tiếc vô hạn.
Thế cho nên không có gì đáng sợ bằng đàn bà. Không có gì có thể ngăn
cản nàng ta khi con tim nàng đã muốn. Chính vì thế mà các góa phụ biến đi