nói với giọng nghẹn lại:
— Tao không hiểu tại sao lúc nào mày cũng đòi tiền. Trong nhà có gạo,
có bột, có dầu, ngoài vườn có cải bắp...
Người vợ kéo chiếc khăn trên mặt xuống, ngả về phía người chồng, hai
mắt ráo nước mắt vì cơn giận bốc lên.
Chị chống hai bàn tay nhăn nheo lên hai bên hông ốm teo, ngả thân hình
gầy gò tới trước, hét the thé:
— Còn vấn đề mặc nữa chứ! Mấy đứa nhỏ không còn giày để mang. Bà
con ơi, ngó tôi mà xem. Ngó chiếc áo chấm vá mà tôi đang mặc đây. Chừng
nào tôi mới có được một tấm áo mới? Cách đây ba năm chồng tôi đánh bài
ăn mười đồng bạc. Nó mua cho tôi hai cây vải trắng, loại thật thô, thật rẻ.
Tôi đem đi nhuộm xanh, cắt cho nó hai bộ quần áo, cho tôi một bộ, cho
thằng lớn nhứt một bộ. Đến ngày nay tôi cũng còn mặc, chấm vá không biết
bao nhiêu lần. Bây giờ thì không thể chấm được nữa.
Tôi cũng không có giày. Chân tôi bị bó làm sao tôi đi chân không như
mấy đứa nhỏ. Sáng hôm nay, tôi hỏi xin một ít tiền mua giày. Nó nói thế
nào bà con có biết không? Nó chỉ chửi bới chớ không cho gì. Nó còn giận
hờn không chịu về nhà hồi trưa này. Nó vô quán ăn uống trong khi bỏ phí
bữa cơm tôi dọn cho nó ở nhà. Vậy mà nó nói nó không có tiền!
Cơn bực khiến chị òa ra khóc nữa.
— Đâu phải tôi đòi tiền để mua sắm áo dài như các cô các bà mặc trong
những ngày này. Tôi biết là nó có tiền để mua áo dài cho một người đàn bà
nào đó, chớ không phải cho tôi.
Lúc bấy giờ gương mặt người đàn ông có vẻ ghê gớm. Anh nhảy tới đưa
cánh tay lên, toan đấm người vợ, nhưng từ trong đám đông nhiều người
bước ra bắt cánh tay của y lại. Vài người đàn bà cũng kéo người vợ ra.
Một người đàn ông ôn tồn nói:
— Nên nhớ người này là vợ anh và là mẹ của mấy đứa con anh.
Người vợ được dịp rên rỉ:
— Tôi đã sanh cho nó mấy đứa con trai.
Ngay lúc đó có tiếng dịu dàng vang lên, tiếng của một bà lão chống gậy
đứng bên ngoài đám đông.