Ngay lúc đó không ai chịu chấp nhận lịnh không bó chân con bé của
Vương. Ông cụ liền viết cho Vương nói rõ là khó thi hành ý muốn của
chàng.
Vương trả lời ngay, bức thơ tới nhà không quá hai tháng, Vương nhấn
mạnh là “Con muốn không ai cãi lại ý con. Nếu không con sẽ không hài
lòng”.
Ông cụ bất mãn, trợn mắt và đưa tay run run vuốt râu nói:
— Tôi hy vọng thằng Vương đừng quên là khi nào tôi còn sống tôi là
người chỉ huy trong gia đình. Tôi nghĩ là nó phải nhớ điều đó.
Sau cùng con dâu nói thật ôn tồn nhưng cương quyết:
— Con thấy nên nghe lời chồng con thì hơn. Mình nên nghe theo những
lời căn dặn của anh ấy.
Và đôi chân cô bé được để này nở tự do, mặc dầu nỗi buồn của người
mẹ khi thấy bàn chân của con dài ra một cách tuyệt vọng. Nàng chỉ đành
đặt giày thật chật cho con mang.
Cách đó không bao lâu vấn đề học vấn của cậu bé lại được đặt ra. Cậu bé
hãy còn nhỏ quá, nhưng ông cụ đã vội lo xa. Ông lẩm bẩm một cách não
lòng “Không học được Tứ thơ! Vậy là không biết những lời chỉ dạy của
Thánh hiền! Rồi nó sẽ biết những gì đây?” Ông cụ đã đọc hết sách của
Khổng Tử và ông tin chắc là không có sách nào dạy đúng hơn. Chính ông
đã cố gắng xử sự đúng theo sách của Khổng Tử. Cho nên ông không bao
giờ rơi vào những sự thái quá. Ông luôn luôn giữ đúng mực Trung Dung.
Ông thấy điều quan trọng vào bực nhứt là hai đứa cháu nội của ông phải
biết rõ đạo làm người. Đối với người đàn bà, ông cho việc học sách thánh
hiền là thừa. Đàn bà thường giản dị và trí óc họ thiếu thông minh. Người ta
cần đưa cho họ xem những chuyện dễ thấy.
Ông cụ nghiêm nghị nói:
— Cháu nội tôi sẽ lớn lên vô đạo đức!
Nhưng lúc bấy giờ đã quá muộn để viết thơ cho Vương. Cho nên cả nhà
cố kiên nhẫn chờ đợi.
Đó là những vấn đề nghiêm trọng nhứt đã làm sôi nổi gia đình trong khi
Vương vắng mặt, kỳ dư các năm ấy trôi đi vô tích sự.