giường cô bé đang nằm vùi đầu vào chăn.
Nàng kéo cô bé ra, nó quay lại; mặt đầm đìa nước mắt, đôi mắt lạnh
lùng. Không nói không rằng, người mẹ đưa tay lên trán, vuốt mớ tóc lòa
xòa.
Cử chỉ êm ái đó, khiến vẻ khó chịu của cô bé từ từ biến đi. Nàng trở nên
buồn thảm. Khi người mẹ trông thấy sự thay đổi này, nàng nói thật nhỏ như
thì thầm:
— Này con, khi nãy mẹ không hỏi con thỏ kia của ai. Mẹ muốn tập cho
con tánh phục tùng bằng cách này hay cách khác. Phục tùng cha, phục tùng
anh, phục tùng chồng. Nếu em con muốn con thỏ đó, thì con phải nhường
cho nó.
Cô bé vừa kêu vừa khóc:
— Tại sao con phải nhường? Nó là con thỏ của con. Con biết chắc chắn
vì nó có một chấm đen trên râu...
Người mẹ kiên nhẫn giải thích, cũng như nàng lặp lại một bài học, được
nghe nhiều lần:
— Con học tánh phục tùng trước hết bằng cách nghe lời cha, nghe lời
em, về sau con có thể phục tùng chồng con. Một người đàn bà phải học
vâng lời. Chúng ta không nên hỏi tại sao. Một khi sanh ra, chúng ta không
thể thay đổi gì được. Chúng ta phải chấp nhận và làm tròn bổn phận của
chúng ta.
Bàn tay nhẹ nhàng của nàng vẫn không ngừng vuốt ve trán cô bé, dường
như để đem lại sự bình tĩnh mà lời lẽ của người thiếu phụ không đem lại
được. Những lời lẽ đó, người mẹ trẻ đã nhiều lần lặp lại để giáo dục đứa
con gái. Những lời lẽ đó không phải mới, nhưng cũ từ mấy thế kỷ. Sự vuốt
ve đều tay và ru ngủ là một thông điệp câm nín và trực tiếp mà người mẹ
truyền cho con bé. Cô bé nhận và thấy dễ chịu.
Vài ngày sau, khi cả nhà ngồi vào bàn ăn vào buổi tối, ông cụ nhìn con
dâu với nét vui tươi, ông vừa vuốt râu vừa tằng hắng. Trông ánh mắt của
ông, người ta biết là ông có điều gì trong trí.
Lúc nàng dâu đặt trước mặt ông tô canh và món thịt heo mà ông ưa thích
và đặt trước mặt bà cụ đĩa rau cải nấu chay đặc biệt cho bà, ông cụ vuốt râu