bánh mứt để ông cụ dùng cho thơm miệng. Nàng cũng bảo hai người tớ tâm
phúc đi theo ông cụ. Một trong hai người này là ông lão đã từng đưa Vương
đi học ngày xưa.
Khi ông cụ lên kiệu, hai tay run rẩy vuốt chòm râu bạc, đôi mắt sáng và
nghiêm, hai người đã trở vô nhà chờ đợi.
Nàng dâu chờ đợi trong suốt thời gian ông cụ đi vắng. Đến ngày thứ bốn
mươi, ông cụ trở về. Không ai biết rõ ngày giờ ông cụ về. Ông không viết
thư vì trong nhà có một mình ông biết đọc. Và không thể nhờ một kẻ khác
đọc một thư nói về chuyện riêng tư trong gia đạo của mình.
Ông cụ về đến cổng rào không ai hay. Ông bước vào sân, lảo đảo như
mệt mỏi quá sức.
Ông không nhìn lên và cười với vẻ kiệt quệ khiến hai người đàn bà đâm
sợ.
Bà cụ theo ông vào phòng riêng. Nàng dâu hối hả nấu cháo gà để giúp
ông lại sức.
Ông cụ nằm luôn ba ngày không nói. Thỉnh thoảng ông rên rỉ hoặc ấp
úng một tiếng cám ơn khi nàng dâu săn sóc.
Hai người đàn bà cố kiên nhẫn chờ đợi vì họ biết có một điều gì ghê
gớm, không thể nói được đã ám ảnh ông cụ.
Đến ngày thứ ba ông cụ mặc áo quan thường nhựt, cố gắng lê bước đến
ngồi trước án thư. Ông cho gọi bà cụ và nàng dâu đến. Ông có một chuyện
khó nhọc để nói với hai người.
Bà cụ lo ngại những tin chẳng lành, sợ con trai bà lâm trọng bịnh. Người
vợ trẻ nghĩ đến chồng với sự lo âu tương tự. Có lẽ chàng bịnh hoặc có thể là
đã chết. Cả hai đều không có một ý nghĩ nhỏ nào về câu chuyện mà ông cụ
sắp nói ra.
Ông cụ nói:
— Tôi đã xuống Thủ đô. Tôi đã gặp thằng Vương và các bạn của nó. Tôi
đã ở trong đó hai mươi ngày để xem những vật mà tôi chưa biết. Nhà cửa
thật cao, xe cộ chạy tự động và còn rất nhiều chuyện lạ khác mà tôi sẽ
không kể lại vì các thứ đó không liên hệ đến hai người. Tôi đã hiểu những
gì thằng Vương nói về các phụ nữ ở thành phố. Họ còn lạ hơn những điều