đây. Con không thể học được gì trong cái trường ngoại quốc đó. Con đã cố
gắng, nhưng lúc nào con cũng nghĩ về mấy đứa con. Con cứ thắc mắc: “Có
ai tấn màn cho mấy đứa nhỏ”. “Thằng bé có ngủ ngon khi thiếu mẹ bên
cạnh”. “Nó có lăn trở hay chăng? Và chị nó có thức giấc để đắp chăn cho
nó hay không? Nhưng chị nó cũng chỉ là một con bé tí xíu!”. Không! Con
vẫn là con. Con chỉ thông minh và hữu dụng trong gia đình này mà thôi,
bên cạnh cha mẹ và các con. Con ở ngoài kia, con là một kẻ vụng về đần
độn. Cha không đoán được điều đó vì cha không trông thấy. Những đứa bé
nhứt trong trường con hiểu rành hơn con về những lời người ta giảng dạy...
Anh Vương nói đúng. Con chỉ thích hợp với ngôi nhà này, bên cạnh cha mẹ
và hai đứa bé. Con không thể ra đi một lần nữa.
Nàng vừa khóc vừa trình bày mọi việc. Giọng nàng run run, khác hẳn
giọng thường ngày. Đôi mày liễu chập chờn trên đôi mắt lo âu.
Đôi vợ chồng già lẳng lặng nhìn nhau. Nhưng hai đứa bé không hiểu tí
gì về những lời của mẹ chúng. Chúng nhào tới. Cậu bé kêu lên:
— A ha! Bây giờ chúng con có bánh ăn!
Cô gái cũng mơn trớn mẹ:
— Khi nào mẹ trở vô trường, mẹ cho con theo với. Con muốn được đi
học.
Ông cụ hoàn toàn thông cảm nàng dâu. Ông vuốt râu, thở dài:
— Cha hiểu những chuyện của con. Cha sẽ viết thơ cho thằng Vương kể
hết tất cả và chúng ta chờ xem nó có đổi ý?
Nói xong ông trở về phòng, tiếp tục thở dài.
Bà cụ im lặng, nhưng nắm tay con dâu, vuốt ve rồi cúi xuống nói nhỏ
vào tai: “Đừng lo nghĩ gì. Để mẹ nói với nó khi nó trở về đây”.
Nàng chỉ đáp bằng một nụ cười héo hắt.
Nàng biết rõ tánh bướng bỉnh của chồng sẽ không bao giờ chịu nghe ai,
dù là những lời của người mẹ.
Nhưng nàng tìm lại được nguồn vui trong các bổn phận đối với gia đình.
Có khi trong đêm nàng giựt mình hoảng sợ vì thấy trở lại trường giữa
những dãy giường giống hệt như nhau. Khi đứa bé lăn trở hoặc đạp vào
người nàng, người mẹ tỉnh giấc mừng thầm là mình chiêm bao.