Bà vợ hạ thấp giọng xuống:
— Thôi mình ngủ đi, khuya rồi!
Ông lão thở dài rồi nằm xuống.
— Bà không hề lo cho cái quán.
Đó là lời buộc tội nghiêm khắc nhứt của ông. Nhưng bà vợ không đáp.
Một lúc sau, bà ngủ ngon lành.
Sáng hôm sau, ông lão thức sớm chùi bóng bên trong hai cái nồi đồng
cho đến khi thấy mặt ông in hẳn trong đó. Ông muốn để vậy cho cậu con
trông thấy công việc phải làm cẩn thận như vậy, nhưng không thể được.
Cậu con dậy quá trễ, còn tôi tớ các nhà giàu thì đến mua nước rất sớm cho
các mệnh phụ tắm.
Ông đổ nước vào nồi và nhúm lửa. Không bao lâu nước sôi làm động
đậy các nắp gỗ bên trên.
Người ta vác ấm đến mua lai rai. Ông lão châm thêm nước vào nồi có
đến ba lần cậu con mới thức! Cậu nhảy xuống giường, dụi mắt, quần áo xốc
xếch, tóc tai rối bù.
Ông lão trừng mắt nhìn hắn.
— Khi còn nhỏ, tao thức sớm, đánh bóng mấy cái nồi, nhúm lửa trong
khi ông nội mày hãy còn ngủ.
Cậu con trả lời một cách thản nhiên:
— Hồi xưa khác. Bây giờ khác. Bây giờ là thời buổi Cách Mạng, cha
quên rồi sao?
Ông lão nhổ một bãi nước miếng xuống đất:
— Tao chỉ nhớ bây giờ là thời buổi của mấy thằng con cứng đầu cứng cổ
như mày. Mày nên liệu hồn. Thằng con mày sẽ coi mày ra cái thứ gì nếu nó
thấy mày ăn rồi chơi không, chẳng làm gì động tới móng tay.
Nhưng cậu quý tử chỉ mỉm cười cài nút áo rồi đến nồi nước gần nhứt lấy
nước cho vào thau, rửa mặt tại chỗ.
Ông lão nhìn cậu con, bảo:
— Tao giữ cái quán này là vì mày. Tao muốn truyền lại cho mày, cho
con mày. Cái quán này lập ra tới nay trên sáu mươi năm nay ai cũng nghe
tên biết tiếng. Cả đời ông nội mày, cả đời cha mày rồi tới đời mày đã nhờ