nó mà cơm no áo ấm. Rồi tới đời con mày.
Cậu con vắt khăn ráo nước, lau mặt, nói:
— Người ta nói nhiều về xa lộ...
Đây là lần đầu tiên Lữ Chính nghe nói tới xa lộ. Nó chẳng có nghĩa gì
đối với lão. Con trai lão đi cả ngày, biết rất nhiều về tin tức từ ngày cách
mạng lan tới tỉnh thành. Cách mạng là gì, lão già chẳng hiểu rõ. Lão chỉ biết
những ngày công việc làm ăn của lão thất bại, đó là lúc hiệu buôn lớn đóng
cửa vì sợ cướp giựt. Cũng trong những ngày đó, các gia đình giàu có, khách
hàng mua nước nóng quen thuộc của lão - phải tản cư đi Thượng Hải. Lúc
bấy giờ quán nước nóng của lão chỉ bán lai rai cho những khách hàng nhỏ,
nghèo. Người ta chỉ mua từng ấm nước nhỏ để pha trà và mặc cả từng xu.
Người ta bảo đó là cách mạng và lão rất thù cách mạng. Sau đó bỗng nhiên
lính xuất hiện ở mọi nơi. Họ mua nước bán không kịp. Thế là bao bạc của
lão trở nên đầy. Đó cũng là cách mạng chứ gì. Ông lão lấy làm thắc mắc,
nhưng không thù cách mạng nữa.
Không bao lâu sau, các hiệu buôn lớn tiếp tục mở cửa và các gia đình
giàu có hồi cư. Quân đội rút đi mất. Đời sống trở lại bình thường chỉ trừ giá
sanh hoạt tăng cao. Nhưng ông lão không thắc mắc vì ông cũng tăng giá
nước nóng của ông lên theo.
Một sáng, ông lão nói với cậu con:
— Cách mạng mà mày nói đó, nó như thế nào? Mày có đi học, chắc có
lẽ mày biết. Nó làm xáo trộn quá chừng. Tao lấy làm hài lòng khi nó đã qua
rồi.
Cậu con nhướng cặp lông mày:
— Qua rồi! Không đâu! Nó chỉ mới bắt đầu. Cha hãy chờ xem. Thành
phố này sẽ là thủ đô của cả nước. Rồi mọi việc đều thay đổi.
Ông lão lắc đầu:
— Thay đổi? Không bao giờ có những sự thay đổi lớn lao. Dù cho hoàng
đế, tổng thống hay cái gì khác cai trị xứ này, dân chúng cũng phải uống trà,
cũng phải tắm gội, những việc đó phải có luôn luôn.
Nhưng còn xa lộ? Ông lão không rõ lắm.
Ngay ngày hôm ấy, một cô bé mua nước nóng cho nhà giàu nói với ông