dây nịt gắn đầy đạn.
— Thưa ông...
Nhưng sĩ quan kia ngắt lời:
— Xa lộ sẽ đi ngang qua quán ông. Tên ông là gì hở ông lão?
Sĩ quan rút mảnh giấy trong túi ra xem rồi mới tiếp:
— À, lão Lữ. Nghe tôi nói đây, xa lộ sẽ nới rộng thêm 9 thước, vậy là nó
đi ngang quán ông. Ông phải dỡ nhà trong vòng mười lăm ngày. Nếu không
thì chúng tôi bắt buộc phải san bằng hộ ông.
Ông ta xếp tờ giấy lại, bỏ vào túi, quay lưng đi. Theo sau ông là ba
người lính.
Lão chủ quán không nói được tiếng nào. Cổ họng lão khô lại. Không
một âm thanh nào thoát ra được. Một người lính nhìn lão với đôi mắt tò mò,
có vẻ thương hại. Sự thương hại đó giúp lão bớt nghẹn ngào. Ông kêu lên:
— Một vạn đồng.
Sĩ quan đứng lại, ngoảnh mặt nhìn quanh:
— Cái gì?
Họ Lữ:
— Quán của tôi trị giá một vạn đồng.
Vị sĩ quan nâng khẩu súng lên. Ông lão hốt hoảng bước nhanh vô nhà,
đóng cửa lại. Nhưng sĩ quan kia không buông tha. Hắn trở lại dùng bá súng
đập vào cửa quán. Ông lão càng thêm kinh hoảng, đâm bổ vào đứa cháu
khiến nó khóc ré lên.
Mỗi lần thằng bé khóc là ông lão bỏ hết tất cả để chạy lại bế nó lên, dỗ
dành. Nhưng bây giờ ông lão không nghe tiếng nó khóc. Ông đang nhìn
thẳng vào vị sĩ quan trẻ tuổi, và lải nhải như người máy: “Một vạn đồng!
Một vạn đồng”.
Người sĩ quan nhìn lão một lúc rồi cười ré lên:
— Đó là phần đóng góp của ông vào việc xây cất thủ đô mới của chúng
ta.
Nói xong hắn dõng dạc ra lịnh cho ba tên lính kia đi.
Đóng góp? Đóng góp cái gì chứ?
Đứa bé vẫn nằm ỳ dưới đất, rên rỉ. Nó quen tật mỗi khi té là nằm vạ cho