chiều. Đêm xuống rồi, ông hãy còn ngồi đó, giữa đám gạch ngói cột kèo
ngổn ngang. Hai chiếc nồi đồng cũng chơ vơ ra đó, giữa cảnh điêu tàn.
Người ta nhìn ông lão một cách tò mò nhưng không ai nói gì và ông cứ
tiếp tục ngồi.
Cho đến khi tối mịt, cậu con đến, nắm tay ông bảo:
— Thằng bé không chịu ăn cơm vì cha không về.
Ông lão đứng lên, nắm tay người con, bước đi.
Gia đình ông dọn về một túp tranh ở trong cửa Bắc, nơi đây có nhiều
đồng ruộng bỏ hoang. Ông già họ Lữ cả đời sống giữa sự náo nhiệt của phố
phường không thể chịu được sự yên tĩnh ở đây. Ông không chịu nổi sự vô
duyên của đồng không mông quạnh. Cả ngày ông ngồi trong phòng nhỏ tí
xíu. Vì không phải làm gì, ông bỗng trở nên già cỗi một cách nhanh chóng.
Đến cuối tháng, người con mang về khoe năm mươi nén bạc. Cậu nói:
— Nhiều hơn số hoa lợi của cái quán.
Cậu không còn cái vẻ ăn không ngồi rồi như trước. Cậu ăn mặc cũng
sạch sẽ hơn. Nhưng ông lão chỉ lẩm bẩm: “Hai cái nồi đồng của mình có thể
chứa ít nhứt là hai đôi nước sông”.
Một hôm bà vợ khoe với ông chiếc áo sa ten mới. Bà vuốt chiếc áo ngay
trước ngực vun tròn của bà. Nhưng ông lão không buồn nhìn bà vợ. Ông
lẩm bẩm:
— Bà già tôi hồi đó cũng có một cái áo hàng màu xám.
Rồi ông lại trầm ngâm nghĩ ngợi. Không ai có thể làm sao cho ông lão
bước ra khỏi cửa. Ông ngồi trong phòng, ngày này qua ngày khác, tóc ông
càng bạc trắng và má ông càng nhăn nheo. Mắt ông trở nên mờ đi. Chỉ có
thằng bé là có thể làm cho ông thoải mái đôi chút. Chính đứa bé đã bước ra
khỏi cửa. Ông thường ngồi bên khung cửa sổ nhỏ bé, nhìn ra ngoài suốt cả
ngày. Ông chỉ rời chỗ ngồi đó mỗi ngày ba lần, vào ba bữa ăn.
Về đêm, ông ngủ chập chờn. Có khi ông ngủ ngồi, đầu gục lên trên bàn.
Thế rồi sau một tuần mưa dầm lê thê, trời bắt đầu sang thu, mặt trời
chiếu nghiêng nghiêng qua mấy đám mây xám, khiến khung cảnh bên ngoài
trở nên quang đãng. Ông lão thấy lòng rạt rào, mở cảnh cửa sổ ra. Mùi đất
mát xông lên. Ông nói một mình: “Mình có thể hứng nước mưa đầy một nồi