Chàng không gặp mặt Iđo.
Qua các bản vẽ mang về nhà, Iđo biết Trobo đã làm việc cật lực. Chàng
vẽ rừng, vẽ cánh đồng, đôi khi vẽ những khuôn mặt trẻ em hoặc là đầu súc
vật, hoặc chân dung các ông bà già.
Một ngày mưa, chàng ở nhà cả ngày, chàng chữa những bức tranh nhỏ,
hoàn thiện chúng. Chàng lấy hộp phấn màu và lấy một tờ giấy nhỏ màu ngà
ngà. Chàng dùng phấn màu vẽ lên đó. Ở phòng ăn, qua cửa phòng bỏ ngỏ,
Iđo nhìn thấy Trobo đang vẽ một chân dung, trên tờ giấy xuất hiện khuôn
mặt, mái tóc nâu của một người phụ nữ, đó là một phụ nữ nông thôn với
đôi má đỏ hồng, chỉ có cái trán trông hơi cao, rộng theo kiểu đàn ông,
nhưng cái cằm nhẹ nhõm, hơi nhọn như cằm trẻ con. Người phụ nữ đó sẽ
đẹp hơn nếu như Trobo vẽ đôi lông mày màu nâu. Nàng đợi xem chàng tô
màu áo dưới cái cổ, nhưng chàng chỉ lia một vài đường màu mà thôi. Sau
đó chàng đặt bức tranh vào một cái khung kính, và treo lên góc tường phía
trên cái bàn làm việc của chàng.
Iđo trầm ngâm nghĩ:
— Trông người đàn bà này rất quen.
Sau đó trời lại nắng đẹp, Trobo lại đi vẽ ở ngoài trời từ sáng sớm.
Một lần Iđo nghĩ, “vì sao Trobo lại phải đi nhiều thế?” Phải chăng, Trobo
cảm thấy lạnh lẽo trong ngôi nhà này? Không, giữa hai người không phải
“hoàn toàn xa lạ nhau” nữa, dầu sao chàng cũng đã mang tiếng là chồng
nàng. Họ chưa thể đối xử thân mật với nhau, nhưng không cần phải lạnh
nhạt với nhau đến thế. Chàng dù sao cũng là một người lịch sự. Chàng vốn
được phụ nữ ưa thích, nếu như chàng không bị căng thẳng bởi mưa giông.
Chàng cũng sẽ có một người phụ nữ yêu quý của chàng. Sự thật chàng
cũng đẹp trai, và sống có tâm hồn cao quý. Chàng không thể tỏ ra vồ vập
đối với người phụ nữ nào khác người yêu quý kia được.
Iđo còn tưởng tượng một cách rất phụ nữ rằng nếu như Trobo cũng đối
xử với nàng như là Trôrbo Machi khi lấy chiếc khăn lau giầy cho nàng, thì
nàng sẽ đưa tay cho chàng hôn ra sao.