các điệu bộ như là sẽ biểu diễn trên sân khấu, ngay cả tóc cũng được giữ
gìn để khỏi rối bù.
Trobo xóa rồi lại vẽ, nhưng chàng lắc đầu, rên rỉ như muốn khóc:
— Vô ích, khuôn mặt này không phải theo đúng ý mình muốn! Mình đã
cố gắng tìm tòi cách thể hiện của bác Bolaz chứ chưa phải là kiến thức thật
của mình. Bác già nói đúng, những tác phẩm được xếp vào loại vĩnh cửu,
thì phải có sự độc đáo của suy nghĩ và trên cách thể hiện. Trong mỗi một
họa sỹ đều có sự rung động được thể hiện ra một cách khác nhau. Như danh
họa Rembrant thì sự rung động ấy được thể hiện trên những nét mặt và độ
đậm nhạt. Còn Tizian là cách thể hiện bằng màu. Danh họa Rubens thì chỉ
dùng một mầu là mầu tự nhiên của làn da; Rafael thể hiện như những giấc
mơ; Đuyer thì độc đáo ở đường nét. Họa sỹ này không thể bắt chước cái
độc đáo của họa sỹ kia được. Anh ta phải tự thu nhặt lấy kiến thức, phải
rung động tự trái tim mình mà vẽ nên tác phẩm. Mình chưa thực sự rung
động, trước một cô gái hấp hối, mà mình mới chỉ rung động, về một con
chim bồ câu bị bắn chết thôi, vậy thì chưa được! Liệu mình có thể hiện sự
rung động của bác Bolaz thành của mình không?
Dường như những suy nghĩ của chàng mỗi lúc một thêm sáng sủa như
những đám mây che lấp khiến mặt trăng mờ tối, giờ đang tản đi.
— Hội họa, chính là linh cảm đẹp của người họa sỹ. Nhưng cái đẹp là
gì? Nếu như với mỗi người lại đánh giá cái đẹp khác nhau? Thế nhưng số
đông nhiều người lại phải công nhận độ đậm nhạt của Rembrant là đẹp, và
mầu sáng bóng của Tizian là đẹp, hoặc là các đường nét cong mềm mại của
Bottixeli là đẹp. Thế thì đó sẽ là cái đẹp vĩnh cửu.
Một lần đang ăn trưa, chàng trầm ngâm cầm cái thìa, chợt nghĩ:
— Cái mà con người ta công nhận là đẹp, là cái mà chính trái tim của họ
rung động trùng với những rung động của trái tim họa sỹ!
Rồi chàng lại tự chất vấn mình:
— Thế sự rung động của trái tim là gì?
Câu hỏi này được chàng tự tìm cách lý giải khi đang ngồi hút thuốc: