sức khoẻ rồi, tàn phế rồi, làm được trò trống gì nữa. Với lại sư tử nhà tôi rất
sợ tai tiếng, đã về hưu rồi còn tranh chìa cán bộ với mấy ông dân phố, làm
gì mà làm mãi thế! Tôi thấy cũng phải.
Không ngờ con gái tôi lại nghĩ khác. Nó đấu với mẹ:
- Theo con, mẹ nên để cho bố đi làm. Ra khỏi cửa là đến cơ quan,
nhân viên thì toàn hàng xóm. Chả bao giờ phải lo tắc đường. Đi làm cho nó
vui, ru rú ở nhà có mà…
- Tôi xin chị! Chị còn lạ gì tính bố. Ngày trước ở cơ quan cái gì cũng
phải, cũng chả chết ai. Nay trực diện với dân, không khéo người ta kéo đến
tận nhà, vành mồm ra chứ chị tưởng. Có bố chị chịu được chứ tôi không.
Tôi đang dọn cơm, mải lắng nghe rơi mất cái bát. Sư tử nhà tôi sắp
gầm lên thì con gái tôi đã vào cuộc:
- Đấy! Mẹ không cho bố đi, có ngày cái bát cũng không có mà ăn.
Người ta nhìn vào cười chết. Con thấy bố đi làm là được, chả mất lòng ai.
Vừa được sống vui, sống khoẻ, lại được thêm vài trăm một tháng, phải
không bố? Nó nháy mắt, tôi cười đáp lại một cái. Ừ, con gái tôi nói phải, nó
hiểu tôi, đúng là con gái bố! Vợ tôi thì bảo: "Không thèm". Tôi nghĩ đã có
văn hóa rồi thì chả phải lo gì cả. Giờ có thêm tôi vào cho nó tốt lên đến
mức nghệ thuật! Còn không được thì cứ giữ nguyên bản sắc cho nó là được
chứ gì?
Dọn cơm xong. Trước khi đưa món ẩm thực do tôi nấu vào miệng, vợ
tôi vẫn không thay đổi ý kiến: "Ông cứ ở nhà cho tôi nhờ". Nhưng con gái
tôi không chịu: "Bố cứ đi đi". Vợ tôi nói nghe cũng phải, con gái tôi nói
nghe cũng phải. Tôi có hai chân, hai tay, đem chặt ra chia cho mỗi người
một cái còn được. Nhưng đầu thì có mỗi một, tôi nghe ai đây? Hai mẹ con
nhận thức chéo ngoe, ai cũng phải cả, thật khó cho tôi quá! Nhớ lần đình
công trong nhà máy, công nhân nghỉ việc mất mấy ngày. Tôi đi xuống khu