- Loạn, chửa xây xong nhà đã mất ba cái bơm. Không biết từ nay đến
lúc xây xong còn mất bao nhiêu cái nữa?
- Cháu đoán chỉ có anh em nhà thằng Tòng. Thợ xây đang rửa cát,
thấy mất nước, chạy ra ao thì nó đã lấy mất bơm rồi.
- Có phải anh em cái thằng bị “ết” không? Đứa cháu gãi đầu: “Vâng,
chính nó”. Ông Hương vừa móc túi lấy tiền đưa cho đứa cháu, vừa lắc đầu:
“Anh phải trông cho nó cẩn thận vào chứ” - “Vâng ạ, nhưng một mình cháu
không xoay kịp” - “Để tuần sau về tao bắt cho con chó” - “ Đừng ông ơi,
nó câu ngay”. Từ lúc khởi công xây dựng cho tới bây giờ đã hơn hai tháng
trời vì lâu không về quê, mà có về cũng chỉ như gió thoảng qua nên ông chả
biết tình hình ở đây ra sao. Đến bây giờ ông đã lờ mờ thấy được chân dung
một nẻo niềm quê. Phải, quê ông khác xa cái thời trước, đổi mới làm cho
làng xóm đổi thịt thay da, ít nhất cũng được ấm no, nhiều nhà giàu có
nhưng quả thật ông thấy buồn, mỗi ngày một ít, buồn chồng lên buồn.
Trước khi về quê làm cho ông háo hức, hăm hở là thế, thế mà ông vẫn chưa
tìm lại được một nét quê xưa, dù đói nghèo nhưng đằm đìa tình nghĩa,
không bao giờ biết cắp trộm, ngủ không phải đóng cửa, hàng xóm có dẫm
phải cái gai cũng cảm thấy mình đau, gặp chuyện gì nhỡ có va chạm với
nhau hàng xóm cũng sang can “một câu nhịn, chín câu lành”, dù còn méo
mó cũng “chín bỏ làm mười”. Bây giờ...bây giờ thật cũng không hiểu ra
làm sao nữa.
Rồi cuối cùng căn nhà cũng được xây xong. Vườn tược cây cối, lối đi
rải sỏi, tường bao xung quanh, trên hàng rào sắt đã hoàn thiện xong. Ông
Hương làm mấy mâm cơm mời họ mạc, hàng xóm và mấy người bạn đồng
niên. Tiệc đến lưng chừng là lúc người ta xôm nhất, hay mượn rượu để nói,
mà lúc bình thường vốn giấu kín, nín nhịn, nhờ rượu mới khơi khơi bày tỏ,
mới đủ khí phách để dám nói thẳng thắn. Nhưng gặp tí men cay thường cốt
“xả” ra cho sướng cái mồm, gặp điều sai phạm thì đổ về cho rượu. Mọi
người quanh mâm hầu hết ca tụng người cho ăn cỗ, vả lại có tới quá nửa