làng, chở bàn ghế, giường tủ, khuôn hộc, cửa gỗ mang đi. Ông Hương
không còn được nghe tiếng dùi đục lách cách như dệt cửi, giờ chỉ nghe
tiếng máy cưa oanh tạc khắp làng, nó rít lên, siết trong màng tai, lọng óc.
Cuộc sống ở nơi thôn quê giờ cũng vội vàng, gặp nhau cũng không có thời
gian mở mồm chào hỏi. Cái mồm nhỡ có mở ra thì toàn nói chuyện tiền.
Ồn ào quá! nhộm nhoạm quá! Từ hôm về quê, tịch không nghe tiếng gà gáy
sớm, tất cả ra chợ hết! Khoảng mười giờ sáng không còn được nghe tiếng
nổ mìn ùng ùng phá đá từ trong Kiện Khê vọng ra, cũng là lúc lũ trẻ gọi
nhau về nấu cơm trưa. Không còn nghe tiếng chày giã gạo, tiếng xay lúa ù
ù lúc sáng sớm, hay tiếng chày giã cua cành cạch lúc mặt trời đứng bóng.
Tất cả ra chợ hết rồi! Một cái chợ quê mà cái gì cũng có, cũng làm chín cả,
chỉ việc bỏ vào mồm là ăn ngay, ăn nhanh, ăn rồi còn ra làm cho kịp những
đơn hàng để đổi lấy ti vi, tủ lạnh, đua nhau xây những căn nhà nửa như
cung điện, nửa như lô cốt, rồi những ông chủ lò Phương Đông, Tài Phát,
Phú Cường...bây giờ trông vừa giống những vua chúa bên Trung Hoa, lại
có nét hao hao giống các vị Hầu tước, Nam tước bên Âu châu, trong nhà
cũng túc mục kẻ ăn người ở, mắng chửi cả bà cô họ nghèo khó làm giúp
việc như mắng chó. Ông Hương đi dọc làng, tay cầm mớ rau mua ngoài
chợ, gặp đứa cháu ngoại họ đi làm về, nó chào ông rồi cầm lấy mớ rau trên
tay: “Ông đưa cháu xem nào” rồi bảo : “Vứt đi, đừng ăn, để cháu về hái
cho mớ khác” - “Rau non thế, sao phải vứt?” - “Ông mới về nên không
biết, rau “đểu” đấy!”, rồi giảng luôn: “Ở cái làng này rau nhà ăn trồng
riêng, rau bán trồng riêng toàn phun thuốc” - “Chết! Biết có hại sao vẫn
đem bán?” - “Ngoài chợ đầy hàng hại mình, không biết cứ gọi là “khuất
mắt trông coi”. Ông Hương nhớ hôm qua ông đi tha thẩn ngoài bờ mương,
chỗ ngày xưa ông vẫn thường cắp sách đi học, thấy hai bên bờ mương đổ
toàn rác
thải, ruồi bu lại như vãi đỗ, mùi thối bốc lên nồng nặc. Gặp ông Tâm
từ dưới ruộng đi lên, cùng đi về vừa đi vừa nói chuyện. Ông Hương hỏi:
“Làng mình sao rác đổ bừa bãi thế?”