gây ra từ việc tước đi một trong những điều quan trọng nhất của cuộc sống
con người: tương tác với người khác. Không được tiếp xúc với thế giới,
Sarah nhanh chóng bước vào trạng thái ảo giác:
Mặt trời xuất hiện tại một thời điểm nhất định trong ngày theo một góc
xuyên qua cửa sổ của tôi.Và mỗi hạt bụi nhỏ trong căn phòng đều được ánh
sáng mặt trời soi chiếu. Tôi thấy tất cả những hạt bụi như những sinh vật
khác đang chiếm lấy hành tinh này. Và chúng đang ở trong dòng chảy của
cuộc sống, chúng tương tác, chúng trò chuyện nhau. Chúng đã làm điều gì
đó cùng nhau. Tôi thấy bản thân mình lẻ loi trong một góc, bị chúng bao
quanh. Tôi đứng ngoài dòng chảy đó.
Tháng 9 năm 2010, sau hơn một năm bị giam, Sarah được thả và được
phép trở lại với thế giới. Dù vậy, những tổn thương do sự việc đó gây ra
vẫn không chịu rời bỏ Sarah: cô bị trầm cảm và dễ bị hoảng sợ. Năm sau đó
cô kết hôn với Shane Bauer, một trong hai người leo núi còn lại. Sarah thấy
rằng cô và Shane có thể trấn tĩnh nhau, nhưng không phải lúc nào cũng dễ
dàng: cả hai đều mang trên mình vết sẹo xúc cảm.
Triết gia Martin Heidegger gợi ý rằng rất khó nói về sự “hiện hữu” của
một ai đó, thay vào đó chúng ta thường “hiện hữu trong thế giới.” Đó là
cách ông nhấn mạnh rằng thế giới xung quanh bạn chiếm một phần lớn
trong việc định hình bạn là ai. Bản thân mỗi người không tồn tại trong hư
không.
Mặc dù các nhà khoa học và bác sĩ lâm sàng có thể quan sát những gì xảy
ra với người bị biệt giam, nhưng rất khó để tiến hành nghiên cứu dạng này
một cách trực tiếp. Tuy nhiên, thí nghiệm của nhà khoa học thần kinh
Naomi Eisenberger có thể hé lộ những gì xảy ra với não bộ trong một điều
kiện thuần túy hơn: khi chúng ta bị tách biệt khỏi nhóm.