Eisenberger đã cho tình nguyện viên chơi trò chơi này trong khi họ đang
nằm trong máy quét não (kỹ thuật này được gọi là chụp chức năng cộng
hưởng từ, hoặc fMRI - xem Chương 4). Cô phát hiện ra một điều đáng chú
ý: khi những người tình nguyện bị loại khỏi trò chơi, các khu vực liên quan
đến ma trận đau của họ được kích hoạt. Không nhận được quả bóng có vẻ
không đáng kể với họ, nhưng với não bộ việc bị xã hội từ chối lại là điều gì
đó rất có ý nghĩa, nó mang đến trạng thái đau, theo nghĩa đen.
Tại sao sự chối bỏ lại gây tổn thương? Có lẽ, đây là một đầu mối thể
hiện rằng kết nối xã hội có tầm quan trọng mang tính tiến hóa - nói cách
khác, sự tổn thương là một cơ chế dẫn chúng ta tới sự tương tác và chấp
nhận của người khác. Cơ chế thần kinh tích hợp sẵn thúc đẩy chúng ta liên
kết với những người khác. Nó thôi thúc chúng ta thành lập các nhóm.
Điều này làm sáng tỏ thế giới xã hội xung quanh chúng ta: ở khắp mọi
nơi, con người liên tục hình thành các nhóm. Chúng ta kết hợp với nhau
thông qua liên kết gia đình, tình bạn, công việc, phong cách, đội thể thao,
tôn giáo, văn hoá, màu da, ngôn ngữ, sở thích và hội nhóm chính trị. Nó cho
chúng ta sự thoải mái khi thuộc về một nhóm - và thực tế đó cho chúng ta
một gợi ý quan trọng về lịch sử loài người.
VƯỢT LÊN SỰ TỔN TẠI CỦA CÁ THỂ THÍCH NGHI NHẤT
Khi chúng ta nghĩ về sự tiến hóa của con người, chúng ta đã quen thuộc
với khái niệm về sự tồn tại của cá thể thích nghi nhất: nó nhắc đến hình ảnh
của một cá thể mạnh mẽ và khôn ngoan, có thể đánh thắng, chạy thoát, hoặc
vượt trội các thành viên khác của loài. Nói cách khác, đó phải là một đối thủ
cạnh tranh tốt trong việc tồn tại và phát triển. Mô hình đó có sức thuyết
phục cao, nhưng nó bỏ ngỏ một số khía cạnh của hành vi khó giải thích. Hãy
xem xét lòng vị tha: theo lý thuyết về sự tồn tại của cá thể thích nghi nhất,