cây gừa đứng bên nhau toát lên bầu không khí tựa các linh hồn đang cùng
trò chuyện.
Quyết tâm di cư của tôi cứ ngày một lớn lên như thế.
Thế nhưng vào một buổi chiều, một lần đi ăn đá bào tại bãi biển ở xa đã
làm đảo lộn tất cả.
Tôi vốn thích đá bào đến bất thường, vì vậy khi đọc thấy trong cẩm nang
du lịch rằng có món đá bào rất ngon ở cửa hàng đó, tôi đã quyết đi đến dù
khá xa xôi.
Và rồi, có thể nói rằng một sự kiện tưởng chừng chẳng có gì to tát, theo
một nghĩa nào đó lại trở thành sự kiện mang tính quyết định cuộc đời tôi.
Từ đường cao tốc đi bộ vào một chút, trước mắt tôi hiện ra thôn xóm với
những nếp nhà vẫn nguyên như từ thuở xa xưa. Đường không được sửa
sang mấy, những đứa trẻ nắm tay nhau chạy khắp khiến đất cát văng tứ
tung.
Rất lâu rồi tôi mới lại được ngắm không khí nồng ẩm sáng lấp lánh trong
buổi chiều nắng sau cơn mưa như vậy. Nếu không phải con đường đắp đất,
hẳn sẽ không có bầu không khí ấy. Vũng nước nào cũng phản chiếu ánh
sáng, lũ trẻ lội bì bõm qua những vũng nước vào nhà.
Quả thật ở một góc thôn có một cửa hàng đá bào nhỏ, một căn nhà gỗ
màu sắc rất đẹp. Có thể thưởng thức món đá bào chua chua ngọt ngọt với
nước cam hoặc chanh leo tự nhiên rưới lên trên với giá 200 yên. Tôi không
kiềm chế được, đã gọi cả hai loại và tận hưởng vị ngon mộc mạc ấy cho
đến khi bụng õng nước.
Trong lúc tôi đang ngồi tại bàn, vừa ăn đá bào vừa ngắm biển, có mấy cô
bé cỡ chừng học sinh tiểu học nắm chặt mấy đồng xu trong tay chạy đến,
các em ngồi xúm xít bên nhau trên ghế băng cùng ăn đá bào. Các cô bé vừa
đung đưa những đôi chân trần đen bóng, mặc những bộ quần áo hơi quá
khổ - chắc là đồ để lại từ chị gái hay chị em họ - vừa mải mê chuyện trò và
say sưa ăn đến tận miếng cuối cùng, cảm xúc của các bé như lan tỏa đến
tận nơi tôi.
Và ở phía sau cửa hàng ấy, có một con đường với hàng cây phúc.
Bà chủ quán đá bào vừa cười vừa nói: