mỏi và khó ở: cậu thường đau đầu, và ở lớp thì khó tập trung chăm chú, giữ
cho trí óc tỉnh táo.
Một hôm, Adolphe đến tìm cậu. Lần gặp đầu tiên trước đây của họ đã biến
thành cuộc đánh nhau, nhưng qua mùa đông này, hắn ta cùng học về
Euclide với cậu. Đó là vào giờ sau bữa ăn tối, một giờ tự do, trong thời gian
ấy được phép chơi ở các hành lang, nói chuyện trong các phòng, và cũng có
thể đi dạo ở sân ngoài tu viện. Adolphe kéo cậu đi xuống bậc cấp và bảo:
- Goldmund, tớ sẽ kể cho cậu nghe một câu chuyện, một câu chuyện hay.
Nhưng cậu là một chàng trai gương mẫu, và cậu muốn có ngày trở thành
giám mục, chắc vậy. Trước hết, cậu hãy hứa với tớ là cậu sẽ ăn ở tốt giữa
bạn bè với nhau và cậu sẽ không dò xét để tố giác tớ với các thầy giáo.
Goldmund hứa giữ lời, không chút do dự. Cậu có trong người mình hai
cách cảm nhận về ý thức danh dự đôi khi xung đột với nhau. Cậu biết: danh
dự của tu viện và danh dự bằng hữu. Nhưng, ở đâu cũng vậy, các luật lệ
không thành văn mạnh hơn các luật thành văn; và chừng nào còn là học
sinh, cậu không bao giờ vi phạm các luật lệ về danh dư, vẫn theo như quan
niệm của các bạn cùng học.
Trong khi nói nhỏ giọng lại, Adolphe kéo cậu đi về phía cổng chính dưới
các bóng cây.
- Có ở đây, - hắn ta kể -, vài chàng trai vui tính và bạo gan (có hắn trong
đó), đã tiếp nhận từ các thế hệ trước một truyền thống: Đừng bao giờ, tuyệt
đối đừng bao giờ quên rằng ta đâu phải là thầy tu; vào một tối nào đó, dám
nhảy tường tu viện đi vào làng. Đó là một trò chơi, một cuộc phiêu lưu mà
một gã đáng mặt con trai không nên không biết. Đi chơi rồi trở về ngay
trong đêm.
- Nhưng mà giờ này, cổng đóng. - Goldmund cãi lại.
- Đương nhiên, hẳn cổng đã đóng; nhưng chính đó là điều quyến rũ trong
cuộc chơi. Người ta biết tìm ra những lối đi bí mật để trở về; đây đâu phải
là lần đầu .
Goldmund nhớ lại các kỷ niệm của mình. Cậu đã nghe thuật ngữ “đi xuống
làng”. Qua đó người ta nói về những cuộc trốn nhà trường đi chơi đâu của
học sinh, đi tìm mọi loại lạc thú bí mật và các cuộc phiêu lưu bị qui tắc của