vang trong tự do nhưng theo qui luật của một trật tự, một kỷ luật bí ẩn. Qua
nhiều tháng, không ai được xem công việc cậu đang làm, chỉ trừ Erich được
phép đỡ tay cho cậu và luôn tâm niệm sẽ trở thành một nghệ sĩ. Có những
ngày Erich cũng không có quyền bước vào xưởng. Những lúc khác,
Goldmund chăm sóc, dạy bảo chú, cho chú làm các bài tập, sung sướng có
bên mình một học trò, một tín đồ. Rồi đây sau khi xong công trình, cậu tính
yêu cầu ông bố phó thác cho cậu kèm cặp cháu thành một thợ bạn thường
xuyên của mình.
Cậu chạm khắc gương mặt các nhà truyền giáo trong những ngày thuận lợi
nhất, trong khi cả người cậu chỉ là sự hòa hợp, không hề bị ám bởi bất cứ
một bóng đen nghi ngờ nào. Trong các pho tượng của mình, theo cậu đánh
giá, đẹp nhất là pho tượng cậu đã gởi gắm các đường nét của tu viện trưởng
Daniel. Cậu đã đặt một tình cảm trìu mến sâu sắc vào pho tượng ấy, tinh
thần trong trắng và lòng nhân ái tỏa sáng trên gương mặt. Với gương mặt
của thầy Niklaus, cậu không hài lòng bằng, mặc dù Erich thích thú nó hơn
cả. Ở đó biểu hiện thiếu hài hòa một vẻ buồn nào đó, như thể nhân vật đồng
thời tràn ngập các dự án sáng tạo và ý thức thất vọng về tính kiêu căng
trong sự sáng tạo, xót xa vì tính thống nhất và tính trong trắng của mình bị
đánh mất.
Khi làm xong pho tượng Daniel, cậu nhờ Erich quét dọn gian xưởng sạch
sẽ, lấy vải phủ kín công trình của mình, chỉ giới thiệu dưới ánh sáng pho
tượng ấy. Rồi cậu đến tìm Narcisse nhưng anh bạn bận việc, cậu kiên nhẫn
chờ đến sáng hôm sau. Gần trưa, cậu cùng đi với anh bạn vào xưởng, đến
trước pho tượng.
Narcisse lặng lẽ chiêm ngưỡng. Thời gian trôi qua, kéo dài. Với sự chú ý và
tính chính xác của nhà bác học, anh bạn xem xét pho tượng.
Ở sau lưng, không một tiếng động, Goldmund cố chế ngự sự rạo rực trong
lòng mình, tự bảo: “Ôi! Nếu một trong hai chúng ta không chịu nổi sự thử
thách này, tình hình sẽ xấu đi. Nếu công trình của mình không đủ sức nặng
hoặc anh bạn không thể hiểu được, thì cả công việc làm của mình trở nên
vô bổ! Mình phải chờ thêm đã…”.