truyền hình be bé thôi đã có thể lan ra khắp cùng đường ngõ xóm, người
người đều biết, bọn trẻ con cũng lấy đó làm đề tài mà bàn tán say mê.
Ở bên này Thẩm Tấn vừa hưng phấn nói: “Phim ‘Bảng Phong Thần’
tối qua tụi bây có coi không? Khương Tử Nha xuống núi rồi nha!”
Phía bên kia đã nghe tiếng Tần Ương tiếp lời: “Tập phim ‘Bảng Phong
Thần’ tối qua Khương Tử Nha xuống núi rồi, ông ta chính là đồ đệ của
Nguyên Thuỷ Thiên Tôn đó.”
Thi thoảng, Tần Ương sẽ nghiêng đầu nhìn qua, Thẩm Tấn thấy thế
liền quay mặt đi, tầm nhìn hai bên trước sau vẫn cách nhau một dòng người
lao xao đông đúc, thoắt thấy đó thoắt lại không, dù có chướng mắt đối
phương đến mấy cũng chỉ đành âm thầm ở trong lòng mà hậm hực một
phen.
Trong lớp học, trên mỗi bàn học đều có một đường “vĩ tuyến 38” [1] –
phân chia rất rõ ràng phần chỗ ngồi của hai bên. Đồ đạc, dụng cụ học tập
của mình phải cẩn thận cất kỹ, sơ ý mà để vượt sang đường ranh giới, phạm
sang phần đất bên kia của đối phương thì xem như một đi không trở về. Cái
này là luật bất thành văn bọn học sinh đứa nào cũng biết và đứa nào cũng
nhất nhất tuân theo. Mà cũng nhờ thế mới có chuyện lần kia Thẩm Tấn tịch
thu được cục tẩy và cây thước kẻ có hoa văn biết phép biến hình hay hay
của Tần Ương, nhướng mày đầy đắc ý. Đáp lại, lần khác Tần Ương cũng
vừa mim mím cười vừa ung dung bỏ cây bút máy mới toanh của Thẩm Tấn
vào trong hộp đựng viết của mình.
Những việc đó ngày nay mà nói thì đã trở nên buồn cười lắm rồi,
nhưng thời đó “vĩ tuyến 38” chính là một phần linh hồn của lớp học. Nó
không chỉ đơn thuần là một đường thẳng vô tri vô giác chia đôi giang sơn
của một bàn học nho nhỏ, mà còn tượng trưng cho sự tôn nghiêm đầu tiên
của một nhóc tì sáu, bảy tuổi đầu.