Trước mặt họ, các thanh chắn đã cầm tù xã hội nơi họ sinh ra đều bị hạ
xuống. Những quan niệm xưa cũ từng chi phối thế giới con người hàng bao
thế kỉ phải tan biến đi. Trước mắt họ trải ra một tiền đồ hầu như không giới
hạn, một cánh đồng không chân trời, trí não con người lao thẳng vào đó, trí
não con người đi ngang đi dọc khắp nơi. Thế nhưng, khi đi tới những giới
hạn của thế giới chính trị thì tự nhiên trí tuệ đó dừng lại. Nó run rẩy không
dám đem dùng những năng lực khủng khiếp nhất nó từng có. Nó tuyệt giao
với sự hoài nghi. Nó khước từ cái nhu cầu được đổi mới. Thậm chí nó ngồi
im không dám vén cao tấm màn che thánh đường. Nó kính cẩn nghiêng
mình trước những chân lí được nó chấp nhận mà chẳng hề tranh cãi lại.
Vậy là, trong cái thế giới đạo lí, mọi thứ đều được phân loại, được kết
hợp, được tiên báo, được quyết định sẵn. Trong thế giới chính trị, mọi thứ
đều nhộn nhạo, phân tranh, vô định. Trong thế giới đạo lí thì con người thụ
động vâng lời, dù là với tinh thần tự nguyện. Còn trong thế giới chính trị thì
có sự độc lập, sự khinh thường sự trải nghiệm và khao khát mọi quyền uy.
Hai khuynh hướng ấy, vẻ ngoài khá là chống đối nhau, thực ra còn xa mới
tự mất đi, chúng cùng tiến bước và dường như còn trụ đỡ lẫn nhau nữa.
Tôn giáo nhìn thấy trong tự do dân sự một sự thực hành cao quý các khả
năng con người. Và nó thấy trong thế giới chính trị một sân chơi được Đấng
tối cao đem cho con người để con người thử sức trí tuệ mình. Được tự do và
mạnh mẽ trong lĩnh vực của mình, tự mãn vì vị trí dành cho mình, tôn giáo
biết rằng thế lực của nó càng vững vàng khi nó chỉ trị vì bằng sức mạnh
riêng và thả sức chế ngự trái tim con người.
Còn tự do thì nhìn thấy ở tôn giáo một người bạn đường trong đấu tranh
và chiến thắng. Tôn giáo, đó là cái nôi của tự do, đó là nguồn thiêng của các
quyền. Tự do coi tôn giáo như là kẻ bảo vệ tập tục, và coi tập tục như kẻ bảo
vệ luật pháp và là sự bảo chứng cho tự đo được trường tồn. (Xem F)
LÍ GIẢI MỘT SỐ ĐIỂM ĐẶC BIỆT TRONG LUẬT PHÁP VÀ
TẬP TỤC CỦA NGƯỜI MĨ GỐC ANH