Ta còn thấy trong sách những tập tục của hạng “người hùng” khi tham gia
buôn bán đổi chác nhằm mục đích làm giàu.
Nhưng cái đáng chú ý hơn hết trong con người đại uý Smith ấy là ông pha
trộn vào các đức tính người đương thời của mình những phẩm chất vẫn còn
xa lạ với phần lớn những con người đó. Văn phong của ông giản dị và trong
sáng, mọi chuyện ông kể đều mang dấu ấn của cái thực, các miêu tả không
hề tô điểm.
Tác giả này rọi những chùm ánh sáng quý giá lên tình trạng người Anh
điêng vào thời kì khám phá ra Bắc Mĩ.
Nhà sử học thứ hai chúng ta nên tham vấn là Beverley. Tác phẩm của
Beverley, in khổ nhỏ, đã được dịch sang tiếng Pháp và in ở Amsterdam năm
1790. Tác giả kể những chuyện diễn ra từ năm 1585 cho tới năm 1780. Phần
đầu cuốn sách có những tài liệu lịch sử đích thực liên quan đến thời thơ ấu
của khẩn địa. Phần thứ hai là bức hoạ kì thú về tình trạng người Anh điêng
vào thời kì xa xưa ấy. Phần thứ ba đưa ra những ý tưởng rất sáng sủa về các
tập tục, trạng thái xã hội, luật pháp và các nếp sinh hoạt chính trị của người
Virginia sống cùng thời đó với tác giả.
Beverley gốc gác ở Virginia, điều đó được nói ngay từ đầu sách, “tác giả
cầu xin bạn đọc không săm soi phê phán quá cứng rắn tác phẩm, do chỗ ông
sinh ra ở vùng các đảo thuộc châu Mĩ (tác giả viết: vùng Indies)
có thể dùng tiếng Anh trong sáng được”. Mặc dù có sự khiêm tốn đó của
người dân khẩn địa, trong suốt cuốn sách tác giả tỏ ra đã hết kiên nhẫn chịu
đựng tổ quốc cũ trên đầu mình. Ta cũng thấy trong tác phẩm của Beverley
vô số dấu vết của cái tinh thần tự do dân sự ấy, cái đã khuấy động các khẩn
địa Anh ở Mĩ từ thời đó. Ta cũng bắt gặp trong sách dấu vết những sự chia
rẽ tồn tại khá lâu giữa các khẩn địa và đã khiến chúng chậm đi đến nền độc
lập. Beverley ghét những người hàng xóm theo đạo Ki Tô ở Maryland hơn
là ghét chính phủ Anh. Văn phong của ông giản dị, những điều ông kể lắm
khi rất thú vị và làm ta tin cậy. Bản dịch tiếng Pháp của cuốn lịch sử của
Beverley có ở Thư viện Hoàng gia.