đó là điểm yếu lớn nhất của nó. Tách rời khỏi mọi trật tự “siêu việt” (chẳng
hạn: “mệnh trời” v.v…) theo quan niệm truyền thống, nó thiếu những chuẩn
mực, những thước đo để phân biệt đúng sai, tốt xấu. Định đề về chủ quyền
của nhân dân và nguyên tắc về đa số không đủ để mang lại thẩm quyền về
luân lí, đạo đức. Vì thế, theo ông, nền dân trị buộc phải dựa vào những giới
hạn và những quy tắc từ bên ngoài đưa vào. Tất nhiên, Tocqueville chưa
hình dung như chúng ta ngày nay rằng tính bất định, sự bất đồng, những
mâu thuẫn là “thân phận” tự nhiên của một xã hội dân chủ. Nhưng, chính từ
cách nhìn ấy của ông mà nhiều nhà tư tưởng ngày nay − như Claude
Lefort
− xem sự bất lực của nền dân trị hiện đại trong việc “tự khẳng
định” chính mình là một trong các nguyên nhân chủ yếu có thể khiến nền
dân trị bị trượt dài vào nền độc tài. Người lãnh đạo độc tài và mị dân, các hệ
tư tưởng toàn trị và toàn thống dễ dàng tự cho mình có sứ mệnh và thẩm
quyền mang lại “lối thoát” cho nền dân trị với cái giá mà nhân dân phải trả
trong “thời đại của những cực đoan” ở thế kỉ XX (Eric Hobsbawm) vượt ra
ngoài sức tưởng tượng của Tocqueville!
Ông cũng là một tác giả đặc biệt đáng tham khảo − nhất là với các quốc
gia đang trong tiến trình chuyển đổi như các nước Đông Âu, các nước thuộc
thế giới thứ ba − khi ông xét tiến trình chuyển đổi sang nền dân trị từ cả hai
chiều. Trong tác phẩm của ông, ta thấy sự quyện chặt giữa quá khứ, hiện tại
và tương lai như một dòng liên tục, và theo ông, nhận thức đầy đủ về điều ấy
là tiền đề cho sự chuyển đổi thành công. Không một xã hội nào có thể ra đời
từ khoảng không, cắt rời với nguồn cội. Với riêng ông, nền dân trị ở phương
Tây, dù muốn hay không, cũng phải kế thừa − và phải biết kế thừa một cách
thông minh − di sản của các xã hội trước đó, thể hiện trong các đề nghị của
ông mà ta sẽ đề cập đến sau. Chính ở đây cần phải học tập lịch sử để tránh
và không lặp lại những sai lầm của quá khứ.
Từ kinh nghiệm lịch sử của riêng mình, Tocqueville biết rằng sự thành
công của tiến trình chuyển đổi chỉ mới là bước đi đầu tiên. Xã hội hiện đại
ẩn chứa trong lòng nó một tính nước đôi: có thể phát triển lành mạnh, tốt
đẹp mà cũng có thể rơi trở lại vào chế độ chuyên chế. Ông không nhìn nguy