thấy mình bị xâm hại vì việc làm của cá nhân hoặc khi xã hội cần đến sự
hợp tác hỗ trợ của cá nhân.
Học thuyết này được chấp nhận một cách phổ biến ở Hoa Kì. Tôi sẽ xem
xét thêm về ảnh hưởng chung của học thuyết đó đối với các hành động bình
thường trong cuộc sống; nhưng bây giờ để tôi nói nốt về các công xã đã.
Gộp chung lại và xem xét trong thế tương quan đối với chính quyền trung
ương, công xã chỉ là một cá thể cũng như mọi cá thể khác, để ta áp dụng cái
học thuyết mà tôi vừa dẫn ra.
Vậy là ở Hoa Kì, tự do của công xã được tạo ra từ chính cái tín điều về
nguyên lí nhân dân tối thượng. Tất cả các nước cộng hoà ở Mĩ đều ít nhiều
công nhận cái tính độc lập đó. Nhưng với các dân tộc ở New England, hoàn
cảnh riêng đã đặc biệt tạo thuận lợi cho sự phát triển nguyên lí đó.
Tại cái phần đất này của Liên bang, đời sống chính trị đã xuất hiện ngay
từ trong lòng các công xã. Ta gần như có thể nói rằng ngay từ thuở khởi đầu,
mỗi công xã đó đã là một quốc gia độc lập. Sau đó, đến khi các nhà vua
nước Anh đòi lại quyền tối thượng của họ, các vị ấy chỉ chiếm giữ lấy phần
quyền lực ở trung ương thôi. Các vị để cho công xã tồn tại trong trạng thái y
nguyên như đang có. Lúc này, công xã ở New England trở thành bề tôi.
Nhưng về nguyên tắc các công xã đó chẳng lệ thuộc ai hết hoặc chỉ hơi lệ
thuộc mà thôi. Các công xã không được trao quyền. Nhưng gần như là vì
quyền lợi của Bang mà các công xã bị tước đi một phần tính độc lập của
chúng. Đó là điều quan trọng bạn đọc cần nhận rõ và cần luôn luôn để ý tới.
Nói chung các công xã chỉ chịu khuất phục bang khi có vấn đề quyền lợi
mà tôi gọi tên là có tính chất xã hội, tức là thứ quyền lợi nào được công xã
chia sẻ với những công xã khác.
Với tất cả những thứ gì chỉ liên quan đến bản thân mình thôi, các công xã
là những thực thể độc lập. Và trong các cư dân của New England, ta không
bắt gặp nổi một ai lại thừa nhận chính quyền bang có cái quyền can thiệp
vào việc điều hành những vấn đề thuần tuý thuộc về công xã, tôi nghĩ vậy.