Cách thứ nhất là giảm quyền hành ngay từ nguyên tắc, bằng cách giảm
bớt của xã hội cái quyền hoặc cái khả năng tự bảo vệ trong một số trường
hợp nhất định: làm giảm quyền hành theo cách này, nói chung ở châu Âu
chúng ta gọi là xây dựng tự do.
Có một cách thứ hai để giảm bớt hành động của nhà cầm quyền: cách này
không nhắm vào tước bớt của xã hội một số quyền nào đó, hoặc làm tê liệt
các nỗ lực của xã hội, mà là phân chia cách sử dụng các sức mạnh xã hội
vào tay nhiều người, là gia tăng số lượng chức vụ và giao cho từng chức vụ
toàn bộ quyền hành cần thiết để thực hiện điều mọi người giao cho chức vụ
đó phải thực hiện. Vẫn có thể bắt gặp những con người mà cách phân chia
quyền lực đó có thể dẫn họ tới tình trạng vô chính phủ. Thế nhưng bản thân
cách phân chia này thì chẳng có chút gì là vô chính phủ hết. Thực ra, bằng
cách phân chia quyền lực như vậy, hành vi quyền lực có bớt hấp dẫn và bớt
nguy hiểm đi, nhưng người ta không thủ tiêu nó.
Cách mạng ở Hoa Kì đã được tạo ra bởi một tấm lòng tha thiết với tự do
đã trưởng thành và chín chắn, chứ không vì một bản năng thèm khát độc lập
mơ hồ và vô định. Cuộc cách mạng này không dựa cơ sở trên những đam
mê gây rối loạn, mà ngược lại, nó đi song hành với tình yêu trật tự và luật
pháp.
Vậy là ở Hoa Kì người ta không hề cho rằng con người trong một xứ sở
tự do thì có quyền làm tất cả mọi điều. Ngược lại, người ta áp đặt cho con
người đó những nghĩa vụ xã hội đa dạng hơn ở những nơi khác nhiều lắm.
Người ta không hề có ý nghĩ tiến công quyền lực của xã hội ngay từ trong
nguyên lí và chống đối lại các quyền xã hội. Người ta chỉ giới hạn ở chỗ
chia sẻ việc thực thi các quyền đó thôi. Người ta những mong bằng cách này
đạt được tới chỗ quyền lực thì to mà chức việc thì bé, sao cho xã hội tiếp tục
được điều hành tốt mà vẫn là xã hội tự do.
Trên thế giới chẳng có nước nào luật lệ lại có ngôn ngữ tuyệt đối như ở
nước Mĩ, và cũng chẳng thấy ở nước nào quyền áp dụng luật lệ lại được
phân chia cho nhiều bàn tay đến vậy.