sát. Thế mà cuộc sống lại rất cần những quy tắc chung đó. Người châu Âu
[đến Mĩ] thường thấy ngay sự thiếu vắng ấy. Cái bề ngoài vô trật tự ngự trị
trên bề mặt khiến người châu Âu nghĩ ngay rằng xã hội nơi đây hoàn toàn
vô chính phủ; nhưng khi đi sâu xem xét mọi chuyện thì mới vỡ lẽ là mình
phải nghĩ lại cho đúng.
Có những công trình nhất định liên quan đến toàn bang song lại không
thực thi nổi vì không có tổ chức hành chính cấp quốc gia chỉ đạo chúng. Bị
bỏ rơi cho cấp công xã và cấp quận, bị giao phó cho những cán bộ dân cử có
thời hạn ngắn, các công trình đó hoạt động không kết quả hoặc không tạo ra
sản phẩm bền vững.
Những người theo trường phái tập trung hoá ở châu Âu chủ trì quan điểm
là chính quyền [trung ương] cai quản tốt các địa phương hơn là khả năng các
địa phương tự cai quản mình. Điều này có thể đúng khi chính quyền trung
ương sáng suốt và các địa phương thì không sáng suốt, khi trung ương thì
năng động và địa phương thì ù lì, khi trung ương có thói quen hành động và
địa phương quen phục tùng. Ta hiểu thêm rằng, càng gia tăng sự tập trung
hoá thì cái xu hướng kép đó càng gia tăng, và lộ thật rõ năng lực của một
bên này và sự bất lực của bên kia.
Nhưng tôi lại không cho rằng tình hình cứ như thế một khi nhân dân có ý
thức, nhân dân giác ngộ canh chừng lợi ích của mình và có thói quen suy
nghĩ đến các lợi ích đó, như trường hợp người dân nước Mĩ.
Ngược lại, tôi hoàn toàn được thuyết phục rằng trong trường hợp này sức
mạnh tập thể của các công dân bao giờ cũng mạnh hơn cái uy lực chính
quyền để tạo ra được cái hạnh phúc xã hội.
Tôi thú nhận rằng thật khó mà chỉ ra được một cách làm nào chắc chắn để
thức tỉnh một dân tộc đang ngủ gà gật đặng đem tới cho họ những đam mê
và ánh sáng mà họ chẳng có. Thuyết phục được con người rằng họ phải
chăm lo công việc của chính mình là một công trình gian nan, tôi biết rõ
điều đó. Thường khi việc làm cho con người lưu tâm đến những chi tiết nghi
thức một phiên toà có vẻ như đỡ khó chịu hơn là việc làm cho họ quan tâm
sửa chữa ngôi nhà chung nơi công xã.