đạo luật. Nói cách khác, người Mĩ cho phép các quan toà của họ không áp
dụng các bộ luật tỏ ra là không hợp hiến trước mắt các quan toà.
Tôi biết rằng đôi khi đã có toà án các nước khác đòi hỏi có được cái
quyền tương tự như vậy. Nhưng họ không bao giờ được trao quyền đó hết. Ở
Mĩ, quyền đó được thừa nhận bởi tất cả các quyền lực khác. Không bắt gặp
ở đây một đảng nào hoặc một cá nhân nào chống lại điều đó.
Để lí giải điều này, cần tìm về chính nguyên lí nằm trong các bản Hiến
pháp Mĩ.
Ở Pháp, hiến pháp là một công trình bất biến hoặc giả định là bất biến.
Không một quyền lực nào được coi là có thể thay đổi bất kì điều gì trong nó:
đó là lí thuyết đã có. (Xem L)
Ở nước Anh, người ta thừa nhận nghị viện có quyền sửa đổi hiến pháp.
Vậy là ở Anh hiến pháp có thể thay đổi không ngừng, mà cũng có thể coi
như là chẳng có hiến pháp nữa. Nghị viện vừa là cơ quan lập pháp lại vừa là
cơ quan lập hiến. (Xem M)
Ở nước Mĩ các lí thuyết chính trị giản dị hơn nhiều và duy lí hơn nhiều.
Một bản Hiến pháp Mĩ không hề bị coi là bất biến như ở Pháp; nó cũng
không được phép sửa đổi bởi những bàn tay quyền lực bình thường của xã
hội như ở nước Anh. Nó là một công trình đứng riêng, đại diện cho ý
nguyện toàn thể nhân dân, bắt buộc các nhà lập pháp cũng như những công
dân bình thường phải tuân thủ, song nó cũng có thể được thay đổi tuỳ theo
nguyện vọng của nhân dân, [thực hiện] theo những hình thức được định sẵn
và trong những trường hợp đã có dự kiến sẵn.
Vậy là ở nước Mĩ hiến pháp có thể thay đổi. Nhưng chừng nào nó còn tồn
tại thì đó là nguồn của mọi quyền hành. Sức mạnh tối cao chỉ nằm trong một
mình nó.
Thật dễ dàng nhìn xem những chỗ khác nhau đó có ảnh hưởng ra sao đối
với các quyền của tổ chức tư pháp ba nước đã dẫn trên đây.
Nếu như ở Pháp, dựa trên những cơ sở bị coi là bất hợp hiến, các toà án
có thể bất tuân luật pháp, khi ấy quyền hiến định sẽ thực sự nằm trong tay