nguyên nhân và dự đoán tương lai. Ông cũng biết rõ rằng người ta có thể
trách ông đã xem “sự bình đẳng của những điều kiện” là nguyên nhân duy
nhất của xã hội hiện đại. Để phòng ngừa sự hiểu lầm ấy, ngay đầu tập II, ông
đã giới ước rõ rệt khuôn khổ quy chiếu cho việc nghiên cứu về nền dân trị
của mình: “Tôi phải cảnh giác ngay người đọc trước sự hiểu lầm rất bất lợi
cho tôi (…) Rất nhiều quan niệm, cảm xúc của thời đại chúng ta ra đời từ
những nguyên nhân không liên quan gì đến sự bình đẳng hay thậm chí còn
đối lập lại với nó (…) Tôi ý thức rõ về tất cả những nguyên nhân khác nhau
này và về tầm quan trọng của chúng, chỉ có điều việc nghiên cứu về chúng
không phải là đối tượng của tôi” (tập II, Lời nói đầu)
Ta hãy thử xem qua các phân tích của Tocqueville về ba phương diện của
“con người dân chủ hiện đại”: tinh thần, tình cảm, thói quen và ảnh hưởng
của chúng lên việc hình thành các định chế chính trị.
a) Về tinh thần hay tư duy dân chủ: Trước hết, Tocqueville nhấn mạnh
đến vai trò lớn lao của công luận. Trong điều kiện của sự bình đẳng, việc
“sẵn sàng tin vào đám đông” liên tục tăng lên. Quyền uy của những cá nhân
riêng lẻ hay của các giai cấp giảm dần tỉ lệ thuận với việc xoá bỏ các khác
biệt giữa những người công dân. Khả năng sai lầm của “toàn dân” bị loại trừ
về nguyên tắc. Từ đó, lòng tin vào các tín điều tôn giáo cũng sẽ suy giảm.
“Con người dân chủ” không còn dễ dàng thừa nhận một quyền uy nào đứng
ở bên ngoài nhân loại bình đẳng.
Mặt khác, Tocqueville cũng thấy “công luận” là công cụ nguy hiểm, dễ
dàng “lèo lái” tư duy và hành động của con người. Tác động của sự bình
đẳng là khá nghịch lí: vừa mang lại nhiều ý tưởng mới vừa tước đoạt chúng.
Sự giải phóng ban đầu khỏi cấu trúc phong kiến lại có thể dẫn đến sự đè nén
tự do tinh thần do cấu trúc của công luận. Phân tích rất sớm của Tocqueville
về “đệ tứ quyền” gây sửng sốt và nhiều tranh cãi. Ông gây ảnh hưởng lớn
đến J. S. Mill, Gustave le Bon… bằng sự nhạy cảm khi ghi nhận áp lực của
số đông lên tư tưởng và cung cách ứng xử của cá nhân, tiên báo “cái vòng
xoáy trôn ốc của sự im lặng”
. Mặc dù rõ ràng ông đã đánh giá quá thấp
tiềm lực phê phán của công luận, nhưng nhận định sau đây thật đáng suy