nghĩ: trong chừng mực “con người dân chủ” chỉ phát hiện bên cạnh mình
những con người giống nhau, thì “khó mà suy tưởng về một bộ phận nào đó
của nhân loại mà không đồng thời bao trùm cái toàn bộ”. Mọi nhận thức cá
nhân đều có vẻ “áp dụng được cho mọi người”. Thay vì tư duy một cách dị
biệt, thì “sự bình đẳng về những điều kiện” tạo ra một nhãn quan trừu tượng
và đồng nhất hoá. Tư duy không còn nắm bắt những con người cụ thể nữa
mà là “nhân loại” nói chung. Tocqueville đã phát hiện một trong những
“mâu thuẫn nội tại” của nền dân trị. Trong khi thời đại của sự bình đẳng
giành được quyền tự do ngôn luận, thì chính công luận thường trở thành
quyền uy tinh thần duy nhất, tách rời với những chủ thể và tự xác lập như
một quyền lực vô danh và vô hạn (xem thêm sđd của Claude Lefort).
Đi liền với tính rập khuôn về tư duy là trình độ trung bình, xoàng xĩnh của
hoạt động tinh thần. Khoa học không còn được hướng dẫn bởi lòng khao
khát hiểu biết mà thay vào đó là việc áp dụng nhanh chóng kiến thức vào đời
sống thị trường. Trong nghệ thuật, chất lượng nhường chỗ cho số lượng, cái
thẩm mĩ nhường chỗ cho cái hữu ích. Trong văn chương, người ta đi từ sự
mô tả cái lí tưởng và cái anh hùng sang mô tả cái “đời thường” và những gì
“hết sức con người”. Nhìn chung, theo ông, chân trời tinh thần trong xã hội
dân chủ bị hạ thấp xuống, khiến cho nhà khoa học, nhà văn, người nghệ sĩ
được tôn vinh không vì tài năng cho bằng vì khả năng sinh lợi của họ. Trong
tập I, ông đã đề cập đến tính xoàng xĩnh về văn hoá, về việc nền dân trị
không khuyến khích những tài năng kiệt xuất. Năm năm sau, ông vẫn cho
rằng: tuy lòng tin của xã hội dân chủ vào khả năng hoàn thiện không giới
hạn của con người được chứng thực về mặt tiến bộ vật chất-kĩ thuật, nhưng
khả năng phát huy “sự vĩ đại đích thực” của con người bị hạn chế nghiêm
trọng. Sự bình đẳng − buộc mọi người phải nỗ lực lao động để kiếm ăn − tuy
có nâng cao trình độ văn hoá và giáo dục nói chung, nhưng không còn có
chỗ cho những tài năng lớn và toàn diện
.
b) Về mặt xúc cảm trong nền dân trị, theo Tocqueville, tất nhiên mặt chủ
đạo là “tình yêu” đối với sự công bằng hầu như là một “bản năng thứ hai”.
Xúc cảm ấy phản ánh rõ nhất trong sự săn đuổi tiện nghi của toàn xã hội.