Còn với các bang này thì người ta chấp nhận nguyên tắc chung là cứ để
cho chúng được tự do bên trong bang. Chính quyền trung ương chẳng có
quyền điều khiển công việc trong bang của họ hoặc thanh sát hành vi ở bang
của họ.
Trong chương viết về sự phân chia quyền lực, tôi đã chỉ ra rằng nguyên
tắc này không phải là bao giờ cũng được người ta tôn trọng. Có những khi
một bang nào đó không thể làm một điều nào đấy, cho dù nó chỉ liên quan
đến chính bang của mình mà thôi.
Khi một bang trong Liên bang ra một bộ luật thuộc loại này, các công dân
bị luật đó quy định thực hiện có quyền đưa vấn đề ra các toà liên bang.
Vậy là quyền hạn các toà án liên bang được mở rộng không chỉ đến tất cả
các vụ án bắt nguồn từ luật pháp Liên bang, mà cả tới tất cả những vụ nảy
sinh từ luật pháp của các bang riêng rẽ đặt ra mà trái với hiến pháp.
Người ta cấm các bang tuyên những bộ luật hình sự hồi tố. Người nào bị
kết án theo một bộ luật loại này có thể đưa sự vụ ra toà liên bang.
Hiến pháp cũng cấm các bang làm các bộ luật có khả năng thủ tiêu hoặc
thay đổi các quyền đã sở đắc theo một hợp đồng (impairing the obligations
of contracts − tiếng Anh trong nguyên văn, “làm tổn hại đến các nghĩa vụ có
được theo hợp đồng”)
.
Khi một cá thể cảm nhận thấy bộ luật nào đó của bang mình làm tổn hại
một quyền thuộc loại đó, người đó có quyền từ chối phục tùng và đưa vụ
việc ra toà liên bang
.
Tôi thấy điều trù liệu này có vẻ như xâm phạm sâu hơn mọi thứ khác vào
quyền lực tối cao của bang.
Các quyền được trao cho chính quyền liên bang theo những mục đích hiển
nhiên mang tính quốc gia đều được xác định rõ và dễ hiểu. Những thứ gì
được chuyển nhượng gián tiếp bởi cái điều khoản tôi vừa nhắc tới thì không
dễ bao hàm theo định nghĩa đã có và phạm vi thì không được vạch rõ. Song
đã có hàng loạt bộ luật chính trị tác động tới sự tồn tại của các hợp đồng và
có khả năng tạo điều kiện cho sự dẫm đạp lên quyền lực trung ương.