còn phía kia là những ý tưởng muốn mở rộng quyền lực nhân dân vô hạn
định.
Cuộc đấu tranh giữa hai luồng ý tưởng đó ở người Mĩ không khi nào
mang tính bạo hành như người ta thường nhận thấy ở nơi khác. Ở nước Mĩ,
hai đảng đều nhất trí với nhau trên những điểm cơ bản nhất. Để chiến thắng,
không một đảng nào trong hai đảng đó có nhiệm vụ thủ tiêu một trật tự xã
hội cũ, hay làm đảo lộn cả một trạng thái xã hội. Do đó, không một đảng nào
trong hai đảng đó phải gắn bó với vô số cuộc sống cá nhân để đưa các
nguyên lí chính trị của đảng mình đến chiến thắng. Thế nhưng cả hai đảng
đều đụng chạm tới những lợi ích phi vật chất hàng đầu, như tình yêu sự bình
đẳng và nền độc lập. Và như thế là đủ để khơi dậy những đam mê mãnh liệt
rồi.
Cái đảng định thu hẹp quyền lực nhân dân phải tìm cách vận dụng lí
thuyết của mình vào hiến pháp liên bang, vì thế mà gọi đảng này là đảng liên
bang.
Đảng kia, kẻ tuyên ngôn là người tình duy nhất của tự do, mang tên là
cộng hoà.
Nước Mĩ là đất dân chủ. Vậy nên những người thuộc phe liên bang bao
giờ cũng bị thiểu số. Nhưng trong hàng ngũ họ hầu hết lại là những con
người vĩ đại sinh ra từ cuộc chiến tranh giành độc lập, và sức mạnh tinh thần
của họ toả vô cùng rộng, vả chăng hoàn cảnh cũng ủng hộ họ nữa. Sự tan vỡ
của liên bang đầu tiên làm cho nhân dân sợ lại bị rơi vào cảnh hỗn loạn, và
những người thuộc phe liên bang đã lợi dụng được tình trạng tâm lí nhất thời
này. Trong vòng mười hoặc mười hai năm, họ điều hành mọi việc và có thể
áp dụng nếu không hoàn toàn thì cũng một số nguyên lí của họ. Vì cái xu
hướng đối nghịch càng ngày càng trở nên quá bạo hành khiến người ta
chẳng dám đấu tranh chống lại đảng này.
Năm 1801, cuối cùng những người cộng hoà chiếm được chính quyền.
Thomas Jefferson được bầu làm tổng thống. Ông này đem lại cho đảng sức
trụ đỡ của một tên tuổi vang lừng, một tài năng lớn và một tính quần chúng
rộng lớn.