từng nghe bàn luận những công việc Nhà nước ngỡ rằng báo chí là cái diễn
đàn đầu tiên cho họ. Với người Mĩ gốc Anh, cái quyền tự do này cũng xưa
cũ như việc tạo lập các khẩn địa. Thời đó, báo chí biết cách khéo léo đốt
bùng lên những đam mê mang tính người, song chỉ riêng báo chí thì không
đủ để tạo ra các đam mê ấy. Thế mà, ở Mĩ, đời sống chính trị lại năng động,
đa dạng, có thể nói là quay cuồng nữa, nhưng lại hiếm khi bị xáo trộn mạnh
mẽ vì những đam mê sâu xa. Hiếm khi thấy các đam mê bùng lên khi các lợi
ích vật chất không bị đụng chạm, ấy vậy mà ở Hoa Kì thì các lợi ích đó lại
vô thiên lùng. Để có thể đánh giá sự khác nhau giữa người Mĩ gốc Anh và
chúng ta về điểm này, tôi chỉ cần nhìn báo chí của đôi bên là đủ. Ở Pháp, các
quảng cáo thương mại chỉ chiếm một không gian hạn hẹp, ngay cả tin tức thì
cũng không nhiều; cái bộ phận sống còn của một tờ báo là phần đăng những
tranh cãi về chính trị. Ở Mĩ, ba phần tư của một tờ báo to đùng trước mắt ta
đầy ắp quảng cáo, phần còn lại thường là tin tức chính trị hoặc những giai
thoại nhì nhằng; chỉ thỉnh thoảng mới thấy ở một góc tờ báo ít ai chú ý một
trong những cuộc tranh cãi nảy lửa, cái thứ ở nước Pháp chúng ta lại là món
ăn hàng ngày cho độc giả.
Mọi quyền lực đều gia tăng sức mạnh lên cùng với sự tập trung hoá công
việc điều hành. Đó là một quy luật chung của tự nhiên chỉ cần ta quan sát kĩ
là rõ ngay thôi, và những anh độc tài nhỏ bé nhất thì cũng có được ngay khả
năng thiên bẩm nhận diện điều đó.
Ở Pháp, báo chí là nơi hội tụ hai kiểu tập trung hoá khác nhau rõ rệt.
Hầu hết quyền lực báo chí ở Pháp được tập trung vào một nơi, và có thể
nói là vào một con người, vì các cơ quan làm việc này có số lượng rất ít.
Được thành lập như vậy trong lòng một dân tộc có tính hoài nghi, quyền
lực của báo chí gần như phải là vô biên. Đó là một kẻ thù mà chính quyền có
thể có những cuộc hưu chiến dài ngắn ít nhiều với nó, nhưng dứt khoát
chính quyền không thể chịu đựng lâu dài được báo chí.
Cả hai kiểu tập trung hoá như tôi vừa nói đến đều không có ở nước Mĩ.