Nhưng ở Hoa Kì, trong tất cả các nguyên nhân cùng tác động đến việc
làm dịu bạo lực của việc lập đoàn thể chính trị, nguyên nhân mạnh mẽ nhất
có lẽ là việc phổ thông đầu phiếu. Ở các nước chấp nhận phổ thông đầu
phiếu, phe đa số không bao giờ bị ngờ vực cả, bởi vì chẳng có đảng nào lại
có thể tự mình trở thành kẻ đại diện một cách hợp lí cho những người không
đi bỏ phiếu. Vậy là các đoàn thể biết rõ và mọi người đều biết rõ là các đoàn
thể chẳng hề đại diện cho đa số. Điều này là kết quả của chính sự tồn tại của
các đoàn thể. Bởi vì nếu các đoàn thể đó đại diện cho phe đa số, họ sẽ thay
đổi luật pháp thay vì đòi hỏi sự cải cách luật pháp.
Sức mạnh tinh thần của cái chính quyền bị các đoàn thể đó công kích lại
gia tăng lên nhiều lần, còn phía các đoàn thể thì yếu đi nhiều lần.
Ở châu Âu, hầu như không có đoàn thể nào lại không tuyên ngôn là hoặc
tin tưởng là họ đại diện cho ý chí của phe đa số. Sự tuyên ngôn hoặc sự tin
tưởng này làm gia tăng sức mạnh của họ một cách kinh hoàng, và phục vụ
tuyệt vời cho việc chính thức hoá các hành động của họ. Bởi vì còn có thứ gì
có thể được tha thứ dễ dàng hơn cả khi đó là bạo lực để giành chiến thắng
cho cái chính nghĩa bị đè nén?
Vì thế mà trong đống hỗn độn vô biên những luật lệ do con người đặt ra,
đôi khi lại có chuyện là sự tự do tuyệt đối làm được công việc sửa chữa
những lạm dụng quyền tự do, và sự dân chủ tuyệt đối có thể tiên báo những
nguy cơ của nền dân trị.
Ở châu Âu, các đoàn thể tự coi mình như một thứ hội đồng lập pháp và
hành pháp của quốc gia, cái hội đồng tự nó chẳng thể nào lên tiếng được.
Xuất phát từ ý tưởng đó, họ hành động và họ ra lệnh. Còn ở Mĩ, nơi trước
con mắt mọi người các đoàn thể chỉ mang hình ảnh một phe thiểu số trong
quốc gia, họ lên tiếng và kiến nghị.
Những phương tiện được các đoàn thể ở châu Âu sử dụng phù hợp với
mục đích đeo đuổi của họ.
Mục đích chính yếu của các đoàn thể này là hành động chứ không phải là
lên tiếng nói, đánh đấm chứ không thuyết phục, một cách tự nhiên họ bị lôi