Constant, tự giới hạn ở hạnh phúc riêng tư và sự độc lập của cá nhân được
bảo đảm bởi định chế để thoát khỏi sự cưỡng chế của quyền lực nhà nước là
không thể có được nếu không có khái niệm tích cực của việc tham dự về
chính trị. Đồng thời, việc từ bỏ hạnh phúc cá nhân và các quyền tự vệ dựa
theo định chế của Rousseau cũng không thoả đáng. Tocqueville thấy rằng,
trong xã hội hiện đại, tự do công dân của con người riêng tư được bổ sung
bằng những tập tục và định chế của việc tham dự vào công việc chung. Sự
tổng hợp giữa tự do cổ đại và tự do hiện đại vừa dựa trên Hiến pháp bảo
đảm mỗi công dân quyền tự trị cá nhân và quyền mưu cầu hạnh phúc, vừa
dựa vào các định chế tự quản từ cơ sở để có thể tham gia đầy đủ vào việc lập
pháp, hành pháp và tư pháp. Theo ông, câu hỏi gay cấn giữa Constant và
Rousseau là nên chọn nền dân trị trực tiếp hay dân trị đại diện dường như đã
được trả lời phần nào trên thực tế ở nước Mĩ. “Con người dân chủ” hiện đại
phải vừa là “bourgeois”, vừa là “citoyen”; sự tự do phải vừa là cá nhân vừa
là chính trị; hệ thống phải vừa tự do, vừa dân chủ. Nơi Tocqueville vẫn còn
phảng phất chút dư âm của người “hiệp sĩ quý tộc”: theo ông, người công
dân “tự do không chỉ biết sống hợp pháp luật”. Chỉ với lòng nhiệt huyết,
hiến dâng, và, trong tình huống ngặt nghèo, sẵn sàng đấu tranh và hi sinh
thân mình cho lí tưởng chính trị, “con người dân chủ” mới xứng đáng với
một sự hiện hữu đích thực tự do.
Ở các chương cuối của bộ sách, Tocqueville mới cụ thể hoá các đề nghị
của mình từ những ý tưởng bàn bạc trước đó. Ở đây, ông tập trung vào việc
xây dựng các định chế có tính chức năng để giới hạn quyền lực của nhà
nước và bảo đảm sự tự do của cá nhân. Các đề nghị của ông thật ra không
hoàn toàn mới mẻ, vì ít nhiều đã có trong Montesquieu và, thậm chí còn có
thể gây hiểu lầm như là nỗ lực phục hồi một số giá trị “quý tộc” xưa cũ.
Vượt qua định kiến ấy, ta thấy Tocqueville rất nghiêm chỉnh trong việc rút
kinh nghiệm của quá khứ để đề xuất yêu cầu xây dựng “các quyền lực trung
gian” (pouvoir intermédiaire) giữa nhà nước và nhân dân với “nhiều sự khôn
ngoan, hiểu biết và năng lực”. Các quyền lực trung gian ấy không gì khác
hơn là sức mạnh tổng hợp của những hội đoàn, của báo chí và nền tư pháp.
Các định chế trung gian này là “thành trì” để bảo vệ việc tham gia của nhân