dân vào công việc chung và là môi trường để rèn luyện tinh thần tự do cho
công dân. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng góp phần vào việc gia tăng
“vốn xã hội”, tức gia tăng lòng tin cậy và sức cố kết trong nội bộ nhân dân.
Và vì lẽ trong quan niệm của Tocqueville, luật pháp và định chế cần đến tập
tục làm nên tảng, nên nền dân trị cũng phải kế thừa các di sản tinh thần và
luân lí còn hữu dụng của quá khứ, đó là: lòng yêu tự do, lòng quý trọng các
giá trị tinh thần và biết đặt cái chung lên trên cái riêng tư. Nhưng, tất cả rồi
cũng đều phải được đặt trên nguyên tắc tối thượng của thời hiện đại: sự bình
đẳng. Ông kết luận bộ sách: … “sự bình đẳng có lẽ ít cao cả hơn, nhưng
công chính hơn, và chính tính công chính này tạo nên sự lớn lao và đẹp đẽ
của nó”.
Tất nhiên, sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến hai đề nghị khác của ông: một
đề nghị quan trọng về vai trò của tôn giáo như là “giềng mối” cho xã hội dân
sự
, và một đề nghị khác khá lạc lõng và khó chấp nhận về việc phân chia
còn sặc mùi “quý tộc” giữa oikos (gia đình) và polis (cộng đồng): gia đình
dành cho phụ nữ để nam giới rảnh tay lo việc cộng đồng. Ông đang vi phạm
nguyên tắc bình đẳng ở phần cụ thể nhất!
8. Thật khó phân loại và xếp hạng Tocqueville trong lịch sử các nhà tư
tưởng chính trị. Ông tự nhận mình là một “libéral d’une espèce nouvelle”
(nhà tự do kiểu mới) (xem Toàn tập Beaumont, V, 433). Tên gọi ấy ngụ ý
những gì, thật khó lí giải. Về hạt nhân “tự do” trong tư tưởng của ông, ông
không khác mấy với những J. Locke, Adam Smith, Benjamin Constant hay
J. S. Mill. Nhưng, theo ông, ý chí cá nhân cũng phải tương hợp với lợi ích
“đích thực” của quốc gia, trong chừng mực đó, ông lại tán thành Rousseau
trong việc biến nhà “bourgeois” (tư sản) ích kỉ thành “citoyen” (công dân)
hướng đến lợi ích chung. Một mặt, là nhà tự do, ông thừa nhận thuyết duy lí
của phong trào Khai sáng, nhưng mặt khác lại không quá tin cậy vào lí tính
con người, nhất là loại lí tính công cụ bắt chính trị và xã hội phải phục vụ
cho kinh tế. Ông mong muốn rằng: lí tính và bản năng, tin và biết, bình đẳng
và tự do phải được kết hợp lại với nhau. Như vậy, nếu tóm tắt một cách thô
thiển, có thể cho rằng mục tiêu của Tocqueville là: đặt quan niệm tự do của