Những người nào không còn niềm tin tôn giáo thì che giấu tính vô tín
ngưỡng của mình đi, và những ai còn niềm tin tôn giáo thì phơi bày niềm tin
của mình ra, và thế là có được cái công luận ủng hộ tôn giáo. Người ta yêu
tôn giáo, người ta trụ đỡ nó, người ta vinh danh nó, và cần phải đi sâu vào
tâm hồn con người để thấy những vết thương mà tôn giáo từng nhận được.
Khối lượng đông đảo con người, mà tình cảm tôn giáo không khi nào từ
bỏ họ, chẳng nhìn thấy gì và chẳng biết ai tách họ ra khỏi những tín ngưỡng
đã xác lập. Bản năng về một đời sống khác (sau khi chết) dễ dàng dẫn họ
đến chân bàn thờ và mở tấm lòng mình cho những tín điều và những an ủi
của niềm tin.
Tại sao khung cảnh này lại không đem áp dụng được cho chúng ta?
Tôi nhìn thấy trong chúng ta có những con người đã ngừng tin vào Ki Tô
giáo và chẳng gắn bó vào bất kì tôn giáo nào nữa.
Tôi nhìn thấy những người khác dừng lại trước nỗi hoài nghi và giả vờ
như không còn tin tưởng gì nữa hết.
Xa hơn nữa, tôi thấy những người Ki Tô giáo vẫn còn tin và không dám
nói ra.
Giữa những người bạn âm ấm và những kẻ thù nóng bỏng đó, cuối cùng
tôi tìm thấy một nhóm nhỏ những tín đồ vì niềm tin của mình mà sẵn sàng
đương đầu với mọi trở ngại và coi khinh mọi hiểm nguy. Những người này
đã bạo hành chống lại sự yếu mềm của con người để đứng lên bên trên dư
luận chung. Bị lôi cuốn bởi chính những nỗ lực đó, họ không còn biết chính
xác tới đâu thì phải ngừng. Do nhìn thấy ở tổ quốc mình cái cách sử dụng
độc lập đầu tiên là công kích vào tôn giáo, họ nghi ngại những người đương
thời của mình và hoảng hốt tách xa khỏi nền tự do mà những kẻ đương thời
này đang đeo đuổi. Sự vô tín ngưỡng với họ có vẻ như một điều mới mẻ,
nên họ đem mọi thứ gì mới mẻ vào một bọc hằn thù. Và thế là họ gây chiến
tranh với thời đại mình và đất nước mình, và trong mỗi ý kiến người khác
đưa ra rao giảng thì họ đều thấy ở đó có một kẻ thù tất yếu của niềm tin.