Từ phút giây đó hình thành trong tôi ý tưởng viết nên cuốn sách mọi
người rồi sẽ đọc.
Một cuộc đại cách mạng dân chủ đang diễn ra nơi chúng ta đang sống.
Mọi người đều nhìn thấy nó, nhưng mọi người chẳng hề có cùng chung cách
xét đoán nó. Có những người coi nó như một sự vật mới, và do chỗ họ xem
nó như chuyện ngẫu nhiên nên đã hi vọng vẫn còn có thể ngăn chặn được
nó. Còn có những người khác lại coi hiện tượng đó là không thể cưỡng lại
nổi, vì với những người này, đó hình như là sự kiện liên tục nhất, xưa cũ
nhất và thường trực nhất được mọi người bắt gặp trong lịch sử.
Tôi muốn trở lại một chút với cái nước Pháp bảy trăm năm trước. Tôi
nhìn thấy nước Pháp bị đem chia chác trong một nhóm nhỏ các gia đình có
đất đai trong tay và cai trị nhân dân. Khi ấy, cái quyền ra mệnh lệnh được
chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng với các di sản kế thừa. Con
người chỉ có một phương tiện duy nhất tác động lên kẻ khác, đó là sức
mạnh. Con người chỉ thấy một nguồn gốc duy nhất của sức mạnh, đó là tài
sản đất đai.
Rồi còn đây nữa quyền lực chính trị của giới tăng lữ, mới được lập nên
song sớm sẽ mở rộng. Giới tăng lữ mở cửa cho mọi người, cho cả người
giàu lẫn người nghèo, cho cả người bần dân cũng như cho bậc vua chúa.
Thông qua Nhà thờ, sự bình đẳng bắt đầu thâm nhập vào giữa lòng chính
quyền, và cái người nông nô từng sống lay lắt trong một chế độ nô lệ vĩnh
cửu, nay trong tư cách giáo sĩ lại đứng giữa các nhà quý tộc, và có lắm khi
còn ngồi bên trên các vị quân vương.
Cùng với thời gian, xã hội càng trở nên văn minh hơn và ổn định hơn, thì
các mối quan hệ đủ kiểu giữa người với người càng trở nên phức tạp hơn và
nhiều lên. Nhu cầu phải có các luật lệ dân sự càng ngày càng nổi rõ. Thế là
xuất hiện những vị pháp gia. Những người này bước ra từ trong lòng các toà
án còn ít người biết đến và từ những văn phòng thư lại chật hẹp và bụi bặm,
những người này rồi sẽ có chỗ ngồi ở nơi triều chính của bậc quân vương,
ngồi hẳn bên cạnh các công hầu phong kiến trên người mang đầy gia huy và
kiếm sắc.