Người quý tộc vốn chẳng buồn nghĩ là có người muốn giằng lấy những
đặc quyền đặc lợi vẫn được họ coi là chính đáng; người nông nô vốn coi vị
trí hạ đẳng của mình như là kết quả của cái trật tự bất biến của thiên nhiên;
và người ta tính đến chuyện tạo ra được một thứ hảo tâm ở cả hai giai cấp có
số phận cách xa nhau đến thế. Ta thấy đó, trong xã hội có sự bất bình đẳng,
có những cảnh khốn cùng, nhưng ở đó cũng có cả những tâm hồn không sa
đoạ.
Làm đồi bại con người không phải là do cách sử dụng quyền lực hoặc nếp
sống phục tùng, mà đó là do cách dùng một quyền lực bị con người coi là
bất chính, và sự phục tùng một quyền lực bị con người coi là của ăn cướp và
áp bức họ.
Một bên là tài sản, sức mạnh, các trò tiêu khiển và cùng với những thứ đó
là việc kiếm tìm cái xa hoa, cái tinh tế thị hiếu, những thú vui trí tuệ, sự tôn
thờ các nghệ thuật; một bên kia thì chỉ có lao động, chỉ có sự thô bạo và sự
dốt nát.
Thế nhưng ngay trong lòng cái đám đông dốt nát và thô bạo kia, ta bắt
gặp những đam mê quyết liệt, những tình cảm khoan dung, những niềm tin
sâu xa và những đức tính hoang dại.
Xã hội được tổ chức theo cách đó có thể có được sự bình ổn, sức mạnh và
nhất là có thể có cả vinh quang.
Thế nhưng, đây rồi, các hàng ngũ bị xáo trộn; các rào cản dựng lên để
ngăn cách con người bị hạ xuống; các lãnh địa bị đem ra chia cho mọi
người, quyền lực bị phân chia, ánh sáng lan toả đi, trí khôn của tất cả thành
ngang nhau. Trạng thái xã hội trở nên dân chủ, và cuối cùng vương quốc của
nền dân trị được xác lập một cách hoà bình trong các thiết chế và trong các
tập tục.
Khi ấy tôi quan niệm về một xã hội mà ở đó, với con mắt nhìn luật pháp
như công trình chung của mình, tất cả mọi người đều yêu quý và dễ dàng
quy thuận luật pháp. Nơi đó do chỗ uy tín của chính quyền được tôn trọng
như một nhu cầu tất yếu chứ không coi nó như thần như thánh, cái tình yêu