chúng biểu hiện ra bên ngoài, và những nghĩa vụ chúng áp đặt mọi người
phải theo.
Điều trước đây tôi đã nói, rằng quyền bình đẳng đưa con người tới những
ý tưởng rất tổng quát và rộng lớn, cần được hiểu chủ yếu trên phương diện
tôn giáo. Những con người giống nhau và bình đẳng với nhau dễ có chung
một Chúa Trời duy nhất, áp đặt cho mỗi con người cùng những quy tắc như
nhau và trao cho họ cái hạnh phúc vị lai theo cùng một cái giá họ phải trả.
Tư tưởng về sự thống nhất của loài người luôn luôn dẫn dắt họ về với tư
tưởng về tính duy nhất của một Đấng Tạo sinh, mà nếu làm ngược lại thì
con người sẽ vô cùng chia rẽ nhau và vô cùng khác biệt đến độ có bao dân
tộc, có bao nhiêu giai cấp, bao nhiêu tầng lớp và bao nhiêu gia đình thì có
bấy nhiêu thánh thân do họ tự nguyện tạo ra và có bấy nhiêu con đường lên
thiên đường do họ vạch ra.
Ta không thể nào không nhất trí với nhau rằng bản thân đạo Ki Tô trong
chừng mức nào đó cũng chịu cái ảnh hưởng của trạng thái xã hội và chính trị
tác động lên các niềm tin tôn giáo.
Vào thời điểm đạo Ki Tô xuất hiện trên trái đất, ý Chúa hẳn là đã chuẩn bị
cho thế gian này đón tiếp Người, đã quần tụ được một bộ phận đông đúc của
loài người, như một bầy chiên mênh mông bao la, dưới những cây quyền
trượng của các vị César. Những con người tạo thành đám đông ấy vô cùng
khác nhau; song ngay khi đó họ vẫn có điểm chung, ấy là họ cùng phục tùng
những luật lệ chung; mỗi con người trong đám đông ấy cũng quá yếu đuối
và bé nhỏ so với tầm lớn lao của một quân vương, đến độ là khi có dịp đem
họ so sánh với vị quân vương đó, thì dường như tất cả bọn họ đều ngang
hàng với nhau cả.
Ta cần phải thừa nhận rằng trạng thái mới mẻ và đặc biệt này của loài
người đã tạo được điều kiện cho con người tiếp nhận những chân lí chung
như đạo Ki Tô chỉ giáo, và cũng lí giải cho ta thấy vì sao đạo này thâm nhập
nhanh chóng và dễ dàng tinh thần con người đến như vậy.
Có một sự chứng minh bằng phản chứng, ấy là tình hình diễn ra sau khi
Đế chế La Mã bị tiêu vong.