Khi mà từng con người mỗi lần ngước mắt nhìn bao quát khắp xứ sở
mình, khi đó họ cũng bắt đầu nhận diện được nhân loại, và Chúa Trời càng
lúc càng hiển hiện lồng lộng trong tâm trí con người.
Nếu như trong những thời kì dân chủ niềm tin vào những tôn giáo tích
cực thường có khi bị chao đảo, và khi niềm tin vào những thế lực trung gian
bất kể mang tên gọi là gì cũng lu mờ đi, thì mặt khác con người cũng sẵn
sàng tiếp nhận một ý tưởng to rộng hơn nhiều đối với chính Thánh thần, và
sự can thiệp của cái Thiêng liêng vào công việc con người lại hiện ra dưới
một dáng vẻ mới mẻ và vĩ đại hơn nhiều.
Bằng cách nhìn nhận con người như một tổng thể duy nhất, họ dễ dàng
nhận thấy rằng có một ý Chúa dẫn dắt mọi thân phận người, và trong từng
hành động của mỗi cá nhân đều có thể thấy được dấu vết của chương trình
chung và bất biến ấy của Chúa đang dẫn dắt cho cả loài người.
Điều này cũng có thể được xem như một suối nguồn nữa rất phong phú
cho thi ca được khơi mở ra trong những thời kì dân chủ ấy.
Các nhà thơ dân chủ bao giờ cũng thế, sẽ lộ ra là yếu kém và thiếu nhiệt
huyết mỗi khi họ tìm cách làm cho Thánh thần, ma quỷ hoặc thiên thần
mang những hình thù người, và tìm cách làm cho những hình hài đó từ trời
cao bước xuống hạ giới để tranh giành lẫn nhau cái mảnh đất này.
Nhưng nếu họ định gắn các sự kiện lớn được họ khắc hoạ như thể đó là ý
Chúa đối với vũ trụ, và mặc dù không để lộ ra bàn tay của bậc chúa tể đầy
quyền uy, không tìm cách thâm nhập vào tìm hiểu kĩ ý Chúa, khi đó họ sẽ
được mọi người chiêm ngưỡng và đồng cảm, bởi chính óc tưởng tượng của
những người đương thời với họ cũng đi theo con đường ấy.
Ta cũng có thể thấy trước được rằng, các nhà thơ được sống vào những
thời kì dân chủ sẽ có xu thế khắc hoạ những đam mê cùng những ý tưởng
hơn là khắc hoạ con người và hành động.
Ngôn ngữ, cách ăn mặc và hoạt động hàng ngày của con người trong các
thể chế dân chủ khước từ sự tưởng tượng ra cái gì mang tính lí tưởng.
Những chuyện đó tự thân chúng không mang tính chất thơ, và chúng cũng