hội khi đó trở thành cái khoa học mẹ, như tôi đã nói ở bên trên kia; mọi
người đều nghiên cứu và áp dụng nó.
Khi có sự phân biệt, hiệp hội này thì bị cấm đoán và hiệp hội kia thì được
phép, thì thật khó mà biết đâu là cái được phép và đâu là cái bị cấm. Khi
người ta đang hồ nghi, người ta chẳng làm bất cứ thứ gì nữa, và sẽ hình
thành một quan niệm chung coi một hiệp hội nào đó như là một công cuộc
liều lĩnh và hầu như bất chính
Thật hão huyền khi coi tinh thần kết hội được nén lại ở một điểm sẽ
không phát triển được trên mọi điểm khác với cùng một khí thế, và chỉ cần
cho con người cái quyền cùng thực hiện những công trình chung nào đó thì
họ sẽ vội vàng làm liền. Khi các công dân có được khả năng và thói quen kết
hội để làm mọi điều, họ sẽ tự nguyện kết hội cả vì việc lớn cũng như vì việc
nhỏ. Thế nhưng, nếu như họ không có quyền kết hội chỉ vì những việc nhỏ,
họ sẽ không còn cả thèm muốn lẫn khả năng kết hội nói chung. Rồi sau đó
nếu có cho họ hoàn toàn tự do cùng chăm lo việc thương thuyết (lập hội) thì
cũng vô ích thôi: họ sẽ chỉ sử dụng một cách uể oải những quyền được trao;
và sau khi các bạn đã kiệt sức ngăn họ tham gia vào các hiệp hội bị cấm
đoán, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chẳng thể nào xúi được họ đứng ra lập
những hội được phép lập nữa.
Tôi không hề nói rằng ta không thể nào có được những hiệp hội dân sự
trong một xứ sở ở đó quyền lập hiệp hội chính trị bị cấm đoán; vì con người
không thể nào sống trong xã hội mà lại không tham gia vào một công cuộc
chung nào. Nhưng tôi chủ trì ý kiến là, trong một đất nước có lối cấm đoán
đó, các hiệp hội dân sự bao giờ cũng có số lượng rất ít, ra đời một cách yếu
kém, điều hành một cách vụng về, và chúng không bao giờ có được những ý
đồ to tát, hoặc nếu có thì cũng thất bại nếu có ý muốn thực thi.
Điều này tự nhiên khiến tôi nghĩ là, quyền tự do lập hội về chính trị chẳng
hề nguy hại đến sự thanh bình công cộng như người ta vẫn tưởng, và có thể
có lúc nào đó chúng làm cho Nhà nước lung lay đôi chút, sau rồi nó lại củng
cố vững chắc cho Nhà nước ấy.