tính bình đẳng nữa. Vậy thì, ta phải gán cho chính cái quyền bình đẳng ấy
như là nguyên nhân sự nhẹ nhàng dễ chịu, hơn là gán nguyên nhân cho nền
văn minh hoặc cho những sự sáng láng đầu óc.
Những gì tôi vừa mới nói về các cá nhân trong chừng mực nào đó cũng áp
dụng được cho các dân tộc. Khi mỗi dân tộc có những quan niệm riêng, có
những niềm tin tôn giáo riêng, có luật lệ riêng, có cách sống riêng, dân tộc
đó coi như riêng mình là đã đủ để hình thành một nhân loại hoàn chỉnh, và
nó chỉ cảm thấy bị đụng chạm vì những nỗi đau của riêng nó thôi. Nếu chiến
tranh xảy đến giữa hai dân tộc có lối tư duy theo hai cung cách như thế, cuộc
chiến tranh đó không thể không diễn ra vô cùng man rợ.
Vào thời kì vinh quang của họ, người La Mã cắt tiết những kẻ thù chung
của dân tộc họ sau khi vênh vang kéo xềnh xệch những tù binh đó đằng sau
chiến xa, và quăng các tù binh ấy cho thú dữ để nhân dân được dịp tiêu
khiển. Hoàng đế Cicéron, người đã rên lên sung sướng khi nghĩ tới việc
đóng đinh một công dân lên cây thập giá, không thấy có gì đáng chỉ trích
trong việc ăn mừng chiến thắng kiểu đó. Hiển nhiên là trước mắt ông ta, một
kẻ nước ngoài không phải là cùng giống với một người La Mã rồi.
Ngược lại, một khi các dân tộc càng trở nên giống nhau hơn, họ tỏ ra có
sự đồng cảm với nhau vì những nỗi khốn cùng họ đã chịu đựng, và quyền
của con người cũng thành dịu nhẹ đi.