CHƯƠNG II
VÌ SAO NỀN DÂN TRỊ LẠI KHIẾN CHO NHỮNG
QUAN HỆ THÔNG THƯỜNG GIỮA NGƯỜI MĨ VỚI
NHAU TRỞ NÊN ĐƠN GIẢN VÀ THOẢI MÁI HƠN
Nền dân chủ không cưỡng bức con người phải liên kết với nhau, mà nó
khiến cho các mối quan hệ thông thường giữa họ với nhau trở nên thoải mái
hơn.
Ngẫu nhiên có hai người Anh gặp nhau ở một địa điểm rất xa; xung quanh
họ là những người lạ mà họ chỉ biết qua loa ngôn ngữ và tập tục.
Hai người Anh đó mới đầu nhìn nhau thăm dò khá kĩ và với một sự lo âu
kín đáo; thế rồi họ lãng tránh nhau, hoặc nếu họ đến với nhau, thì hai bên
thận trọng nói năng với nhau như thể bắt buộc phải nói và cũng chẳng chăm
chú cho lắm, còn nội dung những điều họ nói với nhau thì chỉ là những
chuyện chẳng có gì quan trọng hết.
Giữa hai người Anh đó chẳng có chút gì thân tình cả; hai người chưa khi
nào gặp nhau tuy rằng vẫn coi nhau như là những người khá lương thiện.
Vậy thì tại sao họ lại thận trọng đến thế để tránh không phải gặp nhau?
Ta cần quay lại Anh quốc để hiểu được điều đó.
Khi tiêu chuẩn phân loại con người chỉ do nguồn gốc gia đình, bất kể giàu
nghèo ra sao, khi đó mỗi người biết chính xác vị trí của mình ở chỗ nào
trong bậc thang xã hội; anh ta không tìm cách leo lên, và có bị tụt xuống thì
cũng chẳng sợ. Trong một xã hội đã có tổ chức như vậy, con người thuộc các
giai tầng khác nhau ít khi giao tiếp với nhau; nhưng khi ngẫu nhiên họ có
quan hệ với nhau, họ tình nguyện hấp dẫn nhau mà chẳng sợ nhầm lẫn gì cả.