nhìn chúng ta và ngày ngày lại lẩn biến đi vào trong bóng tối của quá khứ
cùng với trạng thái xã hội đã đẻ ra họ.
Sự bình đẳng về các điều kiện đã khiến cho người đầy tớ và người chủ
thành những con người mới, và tạo dựng ra cho họ những mối quan hệ mới.
Khi các điều kiện gần như ngang bằng nhau, con người không ngừng đổi
vị trí; vẫn còn đó một tầng lớp ông bà chủ và một tầng lớp những kẻ tôi tớ;
thế nhưng đó không còn là những cá thể như cũ nữa, cũng không còn nằm
trong những gia đình như cũ nữa; và cũng chẳng còn sự vĩnh viễn bất biến
nữa trong quyền ra lệnh cũng như trong tính phục tùng.
Khi những kẻ tôi tớ không còn tạo thành một đám người tách biệt, họ
cũng chẳng còn giữ riêng được nữa các thói quen, các tập tục và các định
kiến. Ta chẳng còn thấy ở họ một lối suy nghĩ riêng cũng như một cách cảm
nhận sự việc riêng. Họ không có những đức hạnh cũng như những tật xấu do
địa vị tạo nên, song họ có chung cái đầu óc, các ý tưởng, các tình cảm, các
đức hạnh và những tật xấu của những người đương thời với họ. Và nếu họ
có là những kẻ lương thiện hoặc những kẻ xảo trá thì cũng theo cung cách
lương thiện hoặc xảo trá như ở những ông chủ.
Các điều kiện cũng không kém ngang bằng đối với những người đầy tớ
cũng như đối với những người chủ.
Do chỗ ta chẳng còn thấy những thứ bậc rõ ràng hoặc thường xuyên trong
tầng lớp những người tôi tớ, nên cũng đừng hòng bắt gặp trong hàng ngũ đó
sự đê tiện và sự cao sang từng thấy có trong các tầng lớp tôi tớ quý tộc cũng
như trong tất cả các tầng lớp quý tộc khác.
Tôi chẳng hề thấy ở Hoa Kì chút gì gợi nhớ cho tôi hình ảnh kẻ tôi tớ
hạng quyền quý như ở châu Âu chúng ta vẫn còn lưu giữ được trong kí ức;
mà tôi cũng chẳng thấy ở Mĩ cái gì gợi nhớ lại hình ảnh kẻ laquais. Dấu vết
của cả anh tôi tớ hạng sang và anh laquais đều biến mất dạng.
Trong các nền dân chủ, những người đầy tớ không chỉ bình đẳng với
nhau; ta còn có thể nói là trong một mức độ nào đó họ cũng bình đẳng với
chủ của mình.